Cần Thơ 'chuyển mình' thế nào sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 45?

Là thành phố trực thuộc Trung ương, nằm ở vị trí trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), TP Cần Thơ được kỳ vọng trở thành đầu tàu và là động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng.

Để định hướng và tạo điều kiện cho TP Cần Thơ phát triển, năm 2005 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW (gọi tắt là Nghị quyết 45). Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, dù có những bước chuyển mình mạnh mẽ, song vị trí, vai trò “hạt nhân” của Cần Thơ trong bức tranh kinh tế toàn vùng ĐBSCL chưa thật sự rõ nét.

Diện mạo ấn tượng, hiện đại

Nằm dọc theo sông Hậu hiền hòa, TP Cần Thơ đã và đang chuyển mình, phát triển theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn mang đặc trưng miền sông nước Cửu Long. Thời gian qua, nhiều dự án, công trình mới được đầu tư xây dựng làm “thay da đổi thịt” đô thị Cần Thơ, khẳng định vị thế của một đô thị lớn ở vùng ĐBSCL. Cùng với diện mạo đô thị đang ngày càng hiện đại, TP Cần Thơ cũng tận dụng lợi thế trung tâm và nguồn lực đầu tư từ Trung ương để tập trung xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm, mang tính chiến lược, kết nối giữa các địa phương trong vùng với TP Hồ Chí Minh và cả nước. Những cơ sở nền tảng đó góp phần giúp TP Cần Thơ đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo thống kê trong giai đoạn 2006-2019, tăng trưởng kinh tế của TP Cần Thơ đạt mức bình quân 7,27%/năm, cao hơn mức trung bình toàn quốc, cao nhất trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt mức hơn 100.000 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2005, đứng đầu vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, hàng năm đóng góp khoảng 1,8% GDP cả nước, khoảng 3,9% GRDP của 5 thành phố trực thuộc Trung ương (xếp thứ tư, tương đương Đà Nẵng) và khoảng 12% GRDP của vùng ĐBSCL. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2019 đạt 88,3 triệu đồng, gấp 7,1 lần so với năm 2005; năng suất lao động không ngừng tăng lên và dẫn đầu toàn vùng với mức 143 triệu đồng/năm.

 Diện mạo TP Cần Thơ ngày càng hiện đại, ấn tượng. Ảnh: THẢO MIÊN

Diện mạo TP Cần Thơ ngày càng hiện đại, ấn tượng. Ảnh: THẢO MIÊN

Bước tiến dài nhưng chưa chắc chắn

Theo GS, TS Võ Thanh Thu, giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh: Dù được đầu tư nhiều nhưng tốc độ tăng trưởng của Cần Thơ chưa thật cao. Cần Thơ chưa có những doanh nghiệp đầu đàn, mang tính lan tỏa, có khả năng làm thay đổi cục diện kinh tế. Môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn so với các tỉnh khác ở vùng ĐBSCL, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Cần Thơ đứng hạng 11 (nhóm khá), trong khi các tỉnh trong vùng, như: Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long nằm trong nhóm có môi trường cạnh tranh tốt và rất tốt; tình hình thành lập doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Cần Thơ chưa cao. Gần 97% doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tương tự, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng: "ĐBSCL hiện tại có 3 vấn đề chính đang phải đối mặt: Logistics yếu kém, xuất khẩu hàng hóa phải “mượn đường” (qua TP Hồ Chí Minh) hoặc đi lòng vòng khiến chi phí cao; chất lượng nguồn nhân lực còn yếu kém, tỷ lệ qua đào tạo của vùng chỉ đạt 13% (bình quân cả nước là 21%); tác động của biến đổi khí hậu với các ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Cùng với đó, giao thông chưa đồng bộ cũng là "điểm nghẽn" lớn để TP Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững".

Cần những quyết sách đột phá

Trong định hướng phát triển sắp tới, ban hành một nghị quyết mới cho TP Cần Thơ là rất cần thiết. Theo đó, “Tây Đô” muốn phát triển phải dựa trên thế mạnh nông nghiệp của vùng ĐBSCL để trở thành “hạt nhân”, trung tâm nghiên cứu, đào tạo và cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ kỹ thuật…

Để làm được điều này, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn, cho rằng: “Cần Thơ phải tháo gỡ được những nút thắt quan trọng của nông nghiệp và của vùng ĐBSCL. Đó là 5 vấn đề: Nông nghiệp của vùng này cần có đột phá về nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ; vùng cần phải có những trung tâm đào tạo về kỹ thuật, về công nghệ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và cho nông dân; vùng cần có một trung tâm chế biến nông sản, cung cấp vật tư thiết bị máy móc cho nông nghiệp; vùng cần có cửa mở để tiếp cận với các thị trường trong nước và quốc tế; vùng cần xây dựng dịch vụ hậu cần về kho tàng, bến bãi, vận tải”.

Liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, GS, TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: TP Cần Thơ là nơi có những cơ sở đào tạo tốt nhất ĐBSCL với hơn 10 trường đại học và cao đẳng, trong đó Đại học Cần Thơ là một trong 19 trường đại học trọng điểm của Việt Nam. “Vì thế thành phố cần phát huy được thế mạnh này để xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực đồng bộ với tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Nguồn nhân lực cần được đào tạo dài hơi, chú trọng đến nhân lực bậc cao để đáp ứng cho những ngành có năng suất lao động cao. Phát triển thị trường lao động có định hướng gắn đào tạo với sử dụng lao động, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp”, GS, TS Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh.

THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-tho-chuyen-minh-the-nao-sau-15-nam-thuc-hien-nghi-quyet-45-619167