Cần Thơ còn 18 bến thủy không phép tồn tại 20 năm

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, tại tuyến kênh Thị Đội Ô Môn có 18 bến thủy nội địa chưa được cấp phép, đã tồn tại khoảng 20 năm nay.

Ngày 5/6, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có buổi làm việc với Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV, Sở GTVT thành phố Cần Thơ về các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông, vận tải hàng hóa, hành khách đường thủy nội địa khu vực Cần Thơ.

18 bến thủy không phép

Cần Thơ có 6 tuyến đường thủy quốc gia do Bộ GTVT quản lý với chiều dài hơn 134km. Còn khoảng 150 tuyến sông, rạch với chiều dài hơn 700km do thành phố quản lý.

Trên tuyến kênh Thị Đội có 18 bến thủy không phép tồn tại nhiều năm. Ảnh: Lê An.

Trên tuyến kênh Thị Đội có 18 bến thủy không phép tồn tại nhiều năm. Ảnh: Lê An.

Theo báo cáo của các đơn vị, hiện địa phương có hơn 300 cảng, bến thủy nội địa, trong đó có 5 cảng biển với hàng nghìn phương tiện lớn nhỏ hoạt động. Trong đó, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV quản lý hai cảng và hơn 100 bến thủy nội địa.

Cần Thơ có một tuyến vận tải từ bờ ra đảo là tuyến Cần Thơ - Côn Đảo do Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ quản lý. Tuy nhiên, tại đầu bến Cần Thơ, tàu xuất bến do Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV quản lý và cấp phép.

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị cho biết, trong thời gian qua, tại khu vực vùng nước do các đơn vị quản lý tình hình trật tự an toàn giao thông luôn được đảm bảo, vận chuyển hàng hóa, hành khách tăng so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề bất cập. Cụ thể, theo Đội thanh tra an toàn số 6 (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam), tại tuyến kênh Thị Đội Ô Môn có 18 bến thủy nội địa chưa được cấp phép, đã tồn tại khoảng 20 năm.

Nguyên nhân là do tuyến sông này luồng hẹp, không đảm bảo vùng nước cho bến thủy hoạt động. Từ đó, ngành chức năng không thể cấp phép dù các doanh nghiệp nhiều lần gửi hồ sơ.

"Trong thời gian qua, đội cũng đã nhiều lần báo cáo. Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ đã tổ chức các đợt kiểm tra và kiến nghị giải pháp để tháo gỡ cấp giấy phép cho các bến này hoạt động theo đúng quy định.

Lần này, chúng tôi kiến nghị Bộ GTVT xem xét có phương án tháo gỡ, để đảm bảo vấn đề trật tự an toàn giao thông trên tuyến", ông Nguyễn Thanh Tuy, Đội trưởng Đội Thanh tra an toàn số 6 cho hay.

Chủ tàu, người điều khiển phương tiện còn hạn chế, không siết chặt quản lý vấn đề mặc áo phao cho hành khách. Ảnh: Lê An.

Chủ tàu, người điều khiển phương tiện còn hạn chế, không siết chặt quản lý vấn đề mặc áo phao cho hành khách. Ảnh: Lê An.

Còn ông Huỳnh Hồng Lực, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ cho biết, thời gian qua, một số người dân sinh sống ven sông có khiếu nại về tình trạng sạt lở bờ sông vì cho rằng do sóng từ phương tiện vận chuyển hành khách của tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo tác động vào bờ.

Từ đó, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền Trung ương và địa phương có những nghiên cứu khoa học chuyên sâu và toàn diện khắc phục, hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông. Qua đó, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

Nâng ý thức đảm bảo ATGT đường thủy

Nêu quan điểm về vấn đề đảm bảo an toàn giao thông, ông Lê Tấn Tài, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Sở GTVT TP Cần Thơ) cho rằng, ngành chức năng cần phải siết chặt tình hình hoạt động của các phương tiện thủy vận chuyển hành khách trên địa bàn quận Cái Răng và Ninh Kiều.

"Loại hình du lịch sông nước đang được du khách ưa chuộng. Họ thích tham quan chợ nổi Cái Răng, những điểm du lịch ở cồn, ven sông. Vì vậy, các phương tiện thủy vừa và nhỏ ngày càng phát sinh để phục vụ nhu cầu. Thậm chí một số phương tiện nằm ngoài phạm vi quản lý của ngành chức năng.

Một vấn đề đáng báo động hiện nay đó là ý thức của chủ tàu, người điều khiển phương tiện còn hạn chế, không siết chặt vấn đề mặc áo phao cho hành khách. Việc bảo quản áo phao không được quan tâm, để áo bẩn, mốc meo. Do đó, hành khách không chịu mặc áo phao khi đi trên tàu", ông Tài phân tích.

Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Bằng, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) đánh giá cao sự phối hợp giữa Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV, Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, Sở GTVT thành phố trong công tác quản lý cảng, bến.

Ông Bằng đề nghị các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát chấp hành các quy định của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách, xử nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là tuyến Cần Thơ - Côn Đảo.

Ngành chức năng cần phải siết chặt tình hình hoạt động của các phương tiện thủy vận chuyển hành khách trên địa bàn quận Cái Răng và Ninh Kiều. Ảnh: Lê An.

Ngành chức năng cần phải siết chặt tình hình hoạt động của các phương tiện thủy vận chuyển hành khách trên địa bàn quận Cái Răng và Ninh Kiều. Ảnh: Lê An.

Song song đó, tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật đến với các chủ doanh nghiệp, cảng bến, chủ phương tiện. Yêu cầu các chủ phương tiện trang bị thêm áo phao, dụng cụ nổi, bổ sung thiết bị phòng cháy chữa cháy theo đúng quy định.

"Đề nghị các đơn vị quán triệt với chủ phương tiện, thuyền trưởng, những người quản lý trên các phương tiện thủy phải quán triệt hành khách luôn luôn mặc áo phao. Đây là quy định bắt buộc phải thực hiện.

Đối với các đề nghị còn lại liên quan đến tuyến kênh Thị Đội Ô Môn, sạt lở bờ sông, Vụ Vận tải sẽ tổng hợp và báo cáo Bộ GTVT có phương án tháo gỡ", phó vụ trưởng Vụ Vận tải nhấn mạnh.

Lê An

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/can-tho-con-18-ben-thuy-khong-phep-ton-tai-20-nam-192240605175448776.htm