Cần Thơ còn tồn đọng 14.000 tấn tro bay phát sinh tại nhà máy rác
Mỗi ngày trong quá trình vận hành, Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác thải sinh hoạt) Cần Thơ phát sinh 12-15 tấn tro bay, hiện còn tồn đọng 14.000 tấn tro bay.
Ngày 19-4, trả lời PLO, ông Nguyễn Chí Kiên - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ cho biết hiện còn tồn đọng 14.000 tấn tro bay phát sinh trong quá trình đốt rác phát điện tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Cần Thơ. Nhà máy do Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB làm chủ đầu tư.
Xử lý tro bay là trách nhiệm của chủ nguồn phát thải
Cũng theo ông Kiên, mỗi ngày trong quá trình vận hành đốt rác, nhà máy phát sinh 12-15 tấn tro bay. Sở TN&MT đang thuê đơn vị tư vấn đánh giá xem tro bay phát sinh có nguy hại hay không, từ đó có hướng xử lý.
“Trước đây, Nghị định 38/2015 xác định tro bay là chất thải nguy hại. Tuy nhiên, theo Nghị định 08/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thì tro bay không còn là chất thải nguy hại mà là chất thải có kiểm soát.
Do vậy, cần tư vấn đánh giá để phân loại và xác định nếu có nguy hại thì xử lý theo quy trình, nếu xác định chất thải thông thường thì chôn lấp”- Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ thông tin.
Vừa qua, kiểm toán nhà nước đã có ý kiến về việc xử lý tro bay phát sinh trong quá trình xử lý rác là trách nhiệm của chủ nguồn phát thải. Do vậy, sắp tới khi đàm phán hợp đồng mới với phía EB, sở sẽ tham mưu để đưa quy trình xử lý tro bay theo hướng giao cho EB xử lý.
Nhiều vấn đề cần khắc phục
Trước đó như PLO đã thông tin, UBND TP Cần Thơ đã có kết luận thanh tra về công tác quản lý môi trường trên địa bàn TP và chỉ ra nhiều hạn chế thiếu sót cần phải khắc phục, xử lý dứt điểm.
Kết quả thanh tra cho thấy có một số vi phạm về công tác xác định đơn giá xử lý rác và đơn vị xử lý tro xỉ, tro bay tại dự án xử lý chất thải rắn Khu xử lý rác số 2 tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai.
Cụ thể, trước đó Hội đồng đánh giá lựa chọn Nhà đầu tư tham mưu UBND TP ban hành bộ tiêu chí theo Quyết định số 790. Trong đó việc xác định cơ cấu giá xử lý rác thải được Hội đồng đánh giá căn cứ vào quy định của pháp luật và tham khảo giá xử lý rác thải thực tế tại các nhà máy xử lý rác trên địa bàn thành phố. Đây là cơ sở để lựa chọn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các cơ quan tham mưu chưa căn cứ vào bộ tiêu chí dẫn đến tham mưu UBND TP ban hành quyết định chủ trương đầu tư số chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng và cơ quan chuyên môn làm việc với nhà đầu tư về đơn giá xử lý rác thải trước khi UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đặc biệt, việc Sở Xây dựng ký Hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó thỏa thuận địa phương phải chịu trách nhiệm xử lý và chịu chi phí liên quan đến chôn lấp tro bay sinh ra trong quá trình đốt chất thải tại nhà máy và xử lý xỉ lò là chưa đúng quy định.
Theo kết luận thanh tra, Sở Xây dựng thương thảo hợp đồng có nội dung "xử lý xỉ lò mà Bên B không thể tận dụng được và được giao lại cho Bên A" là chưa phù hợp với quy định pháp luật, do vậy phải chịu trách nhiệm đối với hạn chế, thiếu sót này.
HẢI DƯƠNG