Cần Thơ đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh của 27 sở, ngành, quận, huyện

UBND thành phố Cần Thơ mới đây vừa tổ chức Hội nghị Khởi động Phương án đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh sở, ban ngành và quận, huyện (DCCI) năm 2024.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Theo kế hoạch năm nay sẽ có 18 sở, ban ngành và 9 quận, huyện của thành phố Cần Thơ tham gia đánh giá DCCI trong thời gian 12 tháng, từ tháng 6/2024 đến 6/2025.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế Xã hội thành phố Cần Thơ cho biết, chỉ số DCCI là chỉ số phái sinh của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), được xây dựng và đưa vào triển khai đánh giá các sở, ban ngành, quận huyện. Đánh giá DCCI chủ yếu dựa trên các trụ cột của PCI. Trong năm 2024, thành phố Cần Thơ xây dựng hai bộ chỉ số con để thực hiện đánh giá DCCI, một bộ áp dụng cho nhóm các sở, ban, ngành và một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố (gọi tắt là DeptCI) và một bộ áp dụng cho UBND các quận, huyện trực thuộc thành phố (gọi tắt là DistCI).

Hai bộ chỉ số con này bao gồm các chỉ số thành phần như: tính minh bạch thông tin, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động và trách nhiệm giải trình, thiết chế pháp lý và an ninh điện tử, chính quyền điện tử, vai trò người đứng đầu, tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất, tăng trưởng xanh.

Theo ông Tùng, những năm qua, thành phố Cần Thơ luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, được thể hiện qua việc liên tục triển khai Đề án “Khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành và địa phương (DDCI) thành phố Cần Thơ” vào năm 2022 và 2023.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Kết quả đánh giá vừa qua đã chỉ ra được những ưu điểm và hạn chế, đồng thời phản ánh sự thay đổi trong nhận thức và hành động quyết liệt từ thủ trưởng của các sở, ban, ngành; cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố và UBND các quận, huyện. Do đó, năm 2024, thành phố sẽ cần phải duy trì việc đánh giá và không ngừng hoàn thiện bộ chỉ số DDCI, từ đó góp phần thúc đẩy việc cải cách mạnh mẽ, đồng bộ, hướng tới nâng cao chất lượng điều hành, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp của thành phố tham gia góp ý tại hội nghị, ông La Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Cần Thơ (CBA) đề nghị khi thực hiện đánh giá DCCI nên lọc ra số lượng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa để chọn mẫu phù hợp với số liệu từ cơ quan thuế. Bên cạnh đó, đánh giá DCCI nhằm đáp ứng mong muốn của lãnh đạo thành phố với các mục tiêu tăng trưởng nên cần tập trung vào các trọng số này và các trọng số mà thành phố mong muốn cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ông La Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ góp ý cho phương án đánh giá DCCI của Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Ông La Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ góp ý cho phương án đánh giá DCCI của Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Theo ông Nguyễn Thực Hiện, Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2025. Đồng thời, kế hoạch thực hiện quy hoạch này cũng đã được phê duyệt, lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến việc thực hiện những chủ trương, chính sách như tinh thần của Nghị quyết số 59 ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như Nghị quyết số 45 ngày 10/1/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Cần Thơ.

Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ

cho rằng, để đạt được các mục tiêu này thì cần phải định hướng cho tất các sở, ban ngành, quận, huyện phải tham gia thực hiện chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ theo quy định với sự đồng hành của doanh nghiệp. Ví dự như thành phố đưa ra các chỉ tiêu kinh tế-xã hội cụ thể như đến năm 2025 tăng trưởng GRDP của Cần Thơ là 7,5 – 8%/năm thì việc cần làm là đưa ra được các giải pháp để thực hiện nó.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các sở, ban ngành, quận huyện cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động công vụ, đặc biệt là tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo và quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành; công khai, minh bạch trong cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử theo hướng hiện đại…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị Viện Kinh tế Xã hội thành phố tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu nêu tại hội nghị, hoàn thiện kế hoạch triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh DCCI năm 2024, trình UBND thành phố xem xét, ban hành. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai kế hoạch đánh giá cũng như giải đáp các thắc mắc có liên quan trong quá trình thực hiện.

Thanh Liêm/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/can-tho-danh-gia-chi-so-nang-luc-canh-tranh-cua-27-so-nganh-quan-huyen/342166.html