Cần Thơ: Đề xuất lùi thời hạn cải tạo 3 nút giao thông trọng điểm vì thiếu kinh phí
Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều (Cần Thơ) cho biết nếu thực hiện cải tạo, mở rộng hết 5 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn, kinh phí gần 1.200 tỷ đồng sẽ không đủ. Vì thế, quận đề xuất ưu tiên làm trước 2 nút giao bức xúc, 3 nút còn lại làm sau.
Chiều 24/4, Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố Cần Thơ có buổi làm việc với tổ công tác về tiến độ triển khai dự án cải tạo, mở rộng 5 nút giao thông trọng điểm và dự án Khu hành chính tập trung thành phố Cần Thơ.
Dự án cải tạo, mở rộng 5 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố Cần Thơ được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 65 ngày 8/12/2021, với tổng mức đầu tư (TMĐT) hơn 1.196 tỷ đồng.
Các nút giao gồm Mậu Thân – 3 tháng 2 – Trần Hưng Đạo (nút số 1), Mậu Thân – Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt (nút số 2), Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Văn Cừ (nút số 3), Nguyễn Văn Linh – 3 Tháng 2 (nút số 4), Nguyễn Văn Linh – 30 Tháng 4 (nút số 5).
Qua thẩm định, Sở Xây dựng đề nghị UBND quận Ninh Kiều (chủ đầu tư) điều chỉnh, cập nhật và hoàn chỉnh hồ sơ dự án. Lãnh đạo UBND quận Ninh Kiều cho biết đã rà soát, cập nhật, điều chỉnh theo ý kiến của các sở ngành, trong đó phát sinh những khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, theo Nghị quyết 65, quy mô thiết kế các nhánh đường của nút giao theo quy hoạch lộ giới được duyệt thì tổng diện tích đất cần phải thu hồi để thực hiện dự án là hơn 17.400 m2 (số liệu đã được đơn vị tư vấn khảo sát đo đạc thực tế). Tuy nhiên, trong bản vẽ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, tổng diện tích đất thu hồi là 10.350 m2, tức thiếu hơn 7.000 m2.
Theo tính toán lại của UBND quận Ninh Kiều, TMĐT dự án là hơn 2.065 tỷ đồng, tăng hơn 869 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều Huỳnh Trung Trứ, sau khi làm việc thực tế và ghi nhận ý kiến của các sở ngành, về mặt kỹ thuật diện tích thu hồi là hơn 17.400 m2. Nếu dự án được phê duyệt theo đúng diện tích này, quận mới có cơ sở để tiến hành. Hiện nay về giá thu hồi đất, mới có khái toán ban đầu, chưa có cơ sở chính thức, chưa thu thập giấy tờ của người dân để xác định điều kiện bồi thường.
Sau khi phê duyệt dự án, quận sớm đăng ký kế hoạch thu hồi đất, tiến hành đo đạc, kiểm đếm, thu thập hồ sơ pháp lý đầy đủ của tất cả nút giao. Sau đó, sẽ ưu tiên phê duyệt phương án bồi thường 2 nút giao số 1 và số 4 để thực hiện, còn 3 nút còn lại tiếp tục thực hiện thu thập đầy đủ các cơ sở pháp lý trình thành phố xin bổ sung sau.
“Thực sự để triển khai đầy đủ, tính đúng, tính đủ về mặt kỹ thuật, giá trị, chắc chắn thực hiện 5 nút giao với 1.200 tỷ đồng sẽ không đủ. Hiện vẫn chưa có cơ sở để tính chính xác giá và kinh phí bổ sung bao nhiêu, do vậy quận ưu tiên 2 nút giao trước”, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều nói, đồng thời cho biết theo khái toán ban đầu, 2 nút giao này khả năng chi phí đã gần 1.000 tỷ đồng.
Trước đó, UBND quận Ninh Kiều đã đề xuất 3 phương án thực hiện dự án. Phương án 1, thiết kế các nút giao có lộ giới đúng theo quy hoạch được duyệt và Nghị quyết 65, đồng nghĩa TMĐT hơn 2.065 tỷ đồng. Thành phố phải xem xét bổ sung hơn 869 tỷ đồng cho dự án. Tuy nhiên nguồn vốn đầu tư phát triển của thành phố đang khó khăn và đã phân bổ hết cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Phương án 2, phân chia dự án thành 2 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 là cải tạo, mở rộng 2 nút giao bức xúc là nút số 1 và nút số 4. Dự án thành phần 2 là cải tạo, mở rộng 3 nút giao còn lại.
Phương án này vẫn gặp khó về nguồn vốn, phải điều chỉnh tăng TMĐT, tuy nhiên đảm bảo đúng quy hoạch được duyệt và giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại 2 nút giao số 1 và số 4 trước, các nút giao còn lại xem xét thực hiện sau khi thành phố cân đối được nguồn vốn.
Còn phương án 3, thiết kế các nút giao nhỏ hơn quy hoạch được duyệt. Theo đó, thiết kế và lập dự toán với quy mô chiều rộng mặt đường đúng theo quy hoạch được duyệt, nhưng chiều rộng vỉa hè giảm từ 5-6 m xuống thành 2,5 m (tương đương diện tích đất thu hồi khoảng 11.300 m2) và không làm vượt TMĐT được duyệt (hơn 1.196 tỷ đồng).