Cần Thơ: Đề xuất thu phí đỗ xe từ 15.000 – 30.000 đồng/giờ
Ước tính số tiền thu phí đỗ xe tại 7 tuyến đường trên địa bàn quận Ninh Kiều (Cần Thơ) mỗi năm đạt hơn 2 tỷ đồng; mức thu phí đề xuất từ 15.000 – 30.000 đồng/xe/lượt/giờ…
Sáng 1/6, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức cuộc họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện Đề án thu phí theo Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội.
Báo cáo dự thảo đề án “Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đỗ xe tại một số tuyến đường trung tâm thành phố và các quận/huyện”, ông Nguyễn Đăng Khoa – Phó Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ cho biết, nhu cầu đậu, đỗ xe ô tô của thành phố là quá lớn; xuất hiện tình trạng đậu, đỗ xe không đúng nơi quy định, gây ách tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị...
Theo dự thảo đề án, mức phí được đề xuất: Đối với xe ô tô từ 12 chỗ trở xuống, xe tải có tải trọng từ 2,5 tấn trở xuống, mức thu là 15.000 đồng/xe/lượt/giờ trong hai giờ đầu tiên; 20.000 đồng/xe/lượt/giờ trong hai giờ tiếp theo và từ giờ thứ 5 trở đi là 25.000 đồng/xe/lượt/giờ.
Đối với xe ô tô trên 12 chỗ, xe tải có tải trọng trên 2,5 tấn, mức thu là 20.000 đồng/xe/lượt/giờ trong hai giờ đầu tiên; 25.000 đồng/xe/lượt/giờ trong hai giờ tiếp theo và từ giờ thứ 5 trở đi là 30.000 đồng/xe/lượt/giờ.
Một lượt xe là 1 lần xe vào, ra tại vị trí đỗ xe; một lượt tối đa 60 phút, quá 60 phút sẽ thu thêm các lượt tiếp theo. Thời gian thu phí từ 5h đến 24h.
Ước tính mức thu phí đỗ xe tại 7 tuyến đường trên địa bàn quận Ninh Kiều mỗi năm đạt hơn 2 tỷ đồng, cụ thể:
Đường Hòa Bình mỗi ngày trung bình có 60 lượt xe đỗ, số tiền thu được 900.000 đồng, tương đương hơn 328 triệu đồng/năm.
Đường Lý Tự Trọng có 40 lượt xe đỗ/ngày, thu được 600.000 đồng, tương đương hơn 219 triệu đồng/năm.
Đường Phan Văn Trị có 30 lượt xe đỗ/ngày, thu được 450.000 đồng, tương đương hơn 164 triệu đồng/năm.
Đường Trần Văn Hoài có 50 lượt xe đỗ/ngày, thu được 750.000 đồng, tương đương hơn 273 triệu đồng/năm.
Đường Võ Văn Kiệt có 80 lượt xe đỗ/ngày, thu được 1,2 triệu đồng, tương đương 438 triệu đồng/năm.
Đường Lê Lợi có 60 lượt xe đỗ/ngày, thu được 900.000 đồng, tương đương hơn 328 triệu đồng/năm.
Đường Sông Hậu có 50 lượt xe đỗ/ngày, thu được 750.000 đồng, tương đương hơn 273 triệu đồng/năm.
Dự kiến mức chi liên quan đến việc tổ chức thực hiện mỗi năm hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, chi phí sơn, kẻ, vẽ vạch giới hạn lòng đường, lắp đặt biển báo là gần 677 triệu đồng; chi tiền công cho người trực tiếp thu phí hơn 357 triệu đồng (20 người, mỗi người 1.490.000 đồng/tháng); chi phí thông tin, tuyên truyền 45 triệu đồng; biên lai thu phí 360.000 đồng.
Đại diện Sở GTVT cho biết sẽ gửi dự thảo đề án đến các sở, ngành, quận/huyện và lấy ý kiến đóng góp; đồng thời phối hợp UBND quận Ninh Kiều gửi phiếu khảo sát đến các đối tượng nộp phí thông qua UBND các phường có tuyến đường tổ chức thu phí và bộ phận một cửa của UBND quận Ninh Kiều nhằm lấy ý kiến phản biện của đối tượng nộp phí; sau đó Sở GTVT cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh dự thảo đề án.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu các sở ngành liên quan rà soát lại các văn bản, quy định, đặc biệt là nội dung Nghị quyết 45 của Quốc hội về cơ chế đặc thù của Cần Thơ.
“Đề án không đi vào lòng dân và doanh nghiệp mà ảnh hưởng xã hội thì không thể làm được. Tôi thấy vẫn còn mông lung lắm, cần nghiên cứu kỹ lại theo Nghị quyết 45, lấy ý kiến….Phải tránh ảnh hưởng người dân, doanh nghiệp” – ông Hồng chỉ đạo.
Tổng số phương tiện thành phố Cần Thơ đang quản lý (tính đến tháng 11/2022) là hơn 1 triệu 10 nghìn xe. Trong đó, ô tô có gần 55.700 xe, mô tô gần 953.300 xe, xe máy điện hơn 1.000 chiếc, mô tô điện 65 xe.