Cần Thơ hỗ trợ hơn 85.000 người khó khăn do dịch COVID-19
UBND TP Cần Thơ đã có văn bản gửi về trung ương đề nghị xem xét bổ sung, mở rộng đối với các nhóm đối tượng được hỗ trợ trong đó có giáo viên, người lao động trong các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình...
Chiều 9-7, tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ 17 HĐND TP Cần Thơ, bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đã có báo cáo về tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết 42 và Quyết định số 15 của Thủ tướng.
Theo đó, bà Mai cho biết qua rà soát toàn TP có 116.446 đối tượng thuộc diện được hỗ trợ với kinh phí dự kiến hơn 125 tỉ.
Tính đến ngày 7-7, TP đã chi hỗ trợ cho 85.695/85.724 người thuộc ba nhóm 5, 6, 7 với kinh phí hơn 94,5 tỉ (đạt 99,7%). Có 8/9 quận, huyện chi hỗ trợ đạt 100%, quận Ninh Kiều đạt 99,67%.
Nhóm 5 và 7 đã chi đạt 100%
Cụ thể, Nhóm 1: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ một tháng trở lên trong các doanh nghiệp có 610 người. Dự kiến kinh phí hỗ trợ là 1,098 tỉ đồng. Kết quả có 1/9 quận, huyện có hồ sơ là quận Ninh Kiều.
Nhóm 2: Hỗ trợ vay vốn đối với người sử dụng lao động. Hiện tại 9/9 quận, huyện chưa nhận được hồ sơ đề nghị của người sử dụng lao động.
Nhóm 3: Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu/năm là 153 hộ. Dự kiến kinh phí là 153 triệu. Kết quả có 6/9 quận, huyện có hồ sơ, ba quận huyện không có hồ sơ là Bình Thủy, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh.
Đến 7-7, UBND TP đã nhận và phê duyệt danh sách, kinh phí đối với 30 hộ kinh doanh cá thể của huyện Thới Lai. Năm quận, huyện còn lại đang thẩm định hồ sơ.
Nhóm 4: Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm có 29.959 người.
Dự kiến kinh phí hỗ trợ là 29,959 tỉ đồng. Kết quả có 9/9 quận, huyện đều có hồ sơ và đang rà soát, thẩm định.
Nhóm 5: Người có công với cách mạng. Kết quả đã chi hỗ trợ 4.539 người (100%) với kinh phí 6,807 tỉ. Qua tổng hợp trên địa bàn TP có một trường hợp ở quận Ninh Kiều tự nguyện không nhận hỗ trợ.
Nhóm 6: Đối tượng bảo trợ xã hội. Kết quả đã chi hỗ trợ 35.892/35.921 người với kinh phí 53,810 tỉ đồng (đạt tỉ lệ 99,92%). Có 8/9 quận, huyện chi hỗ trợ đạt 100%, riêng quận Ninh Kiều còn 29/5.352 trường hợp chưa chi do đối tượng không có mặt ở địa phương.
Nhóm 7: Hộ nghèo, cận nghèo. Kết quả đã chi hỗ trợ 45.264 người (100%) với kinh phí 33.945 tỉ đồng.
Nhóm 1, 2, 3, 4 còn chậm
Theo bà Mai, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là tiến độ thực hiện chi hỗ trợ cho nhóm 1, 2, 3, 4 còn chậm.
Cụ thể, nhóm 1, 2, 3 có một số điều kiện để được hỗ trợ quy định tại Quyết định số 15 liên quan đến các doanh nghiệp, người sử dụng lao động là rất khó đáp ứng. Do đó số lượng hồ sơ đề nghị rất ít và nội dung thẩm định điều kiện được hỗ trợ đòi hỏi có thời gian kiểm tra, thẩm định.
Nhóm 4, nhất là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động thì việc xác định tiêu chí không có thu nhập hoặc thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo không được hướng dẫn cụ thể nên cán bộ các cấp còn lúng túng. Từ đó dẫn đến mất nhiều thời gian trong việc rà soát, xác nhận, thẩm định.
Trường hợp người lao động có nơi thường trú và tạm trú hai địa phương khác nhau thì phải có xác nhận của UBND cấp xã tạm trú về việc không đề nghị hưởng các chính sách ở nơi tạm trú và ngược lại nên ảnh hưởng đến thời gian để người lao động đề nghị được hỗ trợ.
Hồ sơ đề nghị, danh sách tổng hợp của cấp xã gửi lên cấp huyện, từ cấp huyện gửi lên UBND TP vẫn còn sai sót về thông tin của người lao động. Điều này dẫn đến việc phải trả hồ sơ để đề nghị cấp xã, cấp huyện điều chỉnh lại nên kéo dài thời gian phê duyệt.
Đối với giáo viên, người lao động trong các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình không thuộc đối tượng hỗ trợ theo nhóm 1 (Khoản 3, Điều 1, Quyết định 15 của Thủ tướng chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp), cũng không thuộc đối tượng hỗ trợ theo nhóm 4 (vì không nằm trong các nghề theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 7, Quyết định số 15 nêu trên) nên TP chưa thể thực hiện hỗ trợ.
Tuy nhiên, UBND TP đã chỉ đạo cho các Sở LĐ-TB&XH, Tài chính, Tư pháp, Văn phòng UBND TP tham mưu TP có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng này.
Qua tổng hợp của các quận huyện, có khoảng 24.000 đối tượng ở trong chín nhóm nghề , trong đó có giáo viên, người lao động trong các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình, kinh phí hỗ trợ khoảng 24 tỉ đồng chi hỗ trợ trong một tháng.
Theo bà Mai, chín nhóm nghề này ngoài quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 7 Quyết định 15 nêu trên và đã trình UBND TP xem xét quyết định. UBND TP đã có văn bản gửi về trung ương đề nghị xem xét bổ sung, mở rộng đối với các nhóm đối tượng trong đó có giáo viên, người lao động trong các trường như trên.
“Hiện tại Bộ LĐTBXH đã tiếp thu ý kiến của TP Cần Thơ cũng như các địa phương cả nước và đã trình cho Thủ tướng xem xét mở rộng cho nhóm đối tượng này” – bà Mai cho hay.
“Phải chi chúng ta hỗ trợ được họ lúc còn dịch…”
Sau khi nghe Giám đốc Sở LĐ-TBXH trình bày, Chủ tịch HĐND TP Phạm Văn Hiểu cho rằng, ba nhóm cơ bản hoàn thành vì có danh sách (nhóm 5, 6, 7) còn nhóm 1, 2, 3, 4 đến nay mới rà soát thống kê vì không có danh sách.
“Tuy nhiên, đây là nhóm rất khó khăn, chịu ảnh hương do mất việc, thất nghiệp. Và, những người này chủ yếu là làm nghề tự do nên rất cần sự hỗ trợ.
Phải chi mà chúng ta hỗ trợ được cho họ lúc còn dịch, còn giãn cách xã hội… Giờ dù có muộn thì chúng ta phải quyết tâm làm. Tôi đề nghị các ngành các cấp phải làm mạnh mẽ hơn nữa.
Đối tượng nào, cá nhân nào đã xác định được thì nên có hỗ trợ, nếu sau còn ai đó thì hỗ trợ tiếp. Tuy nhiên phải làm chặt chẽ, không để xảy ra tiêu cực, không đúng đối tượng” – ông Hiểu nói.