Cần Thơ: Không ngừng nâng chất hiệu quả công tác hòa giải
Ngày 31/7, Sở Tư pháp TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013; Sơ kết công tác phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật 6 tháng đầu năm 2019.
Đẩy mạnh nâng cao nghiệp vụ đội ngũ hòa giải viên
Báo cáo kết quả 5 năm thi hành Luật hòa giải cơ sở, bà Phan Quỳnh Dao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ cho biết, trong nhiều năm qua công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP Cần Thơ đạt được những kết quả khích lệ.
Đặc biệt, từ khi Luật hòa giải ở cơ sở được ban hành đã tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, ngày càng phát huy được vai trò, ý nghĩa quan trọng của hoạt động hòa giải ở cơ sở, góp phẩn đảm bảo ổn định, trật tự, an toàn xã hội và thực hiện thắng lợi chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Thành phố tiến hành củng cố, kiện toàn Tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở. Hiện thành phố có 635 Tổ hòa giải với 4.280 hòa giải viên. Trung bình mỗi tổ hòa giải có 5-7 thành viên. Hòa giải viên là những người có phẩm chất đạo đức, uy tín, đại diện cho nhân dân có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình.
Theo đó, chất lượng công tác hòa giải ngày càng được nâng cao, giải quyết tốt các tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân, góp phần giữ gìn sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư. Để nâng cao nghiệp vụ kỹ năng của các Hòa giải viên, TP thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật. Thời gian qua, đã tổ chức 45 lớp tập huấn, với gần 10.000 lượt hòa giải viên tham gia.
Trong 5 năm, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết gần 15.000 vụ việc, hòa giải thành gần 12.000 vụ việc.Bên cạnh đó, việc triển khai, thi hành Luật hòa giải ở cơ sở ở Cần Thơ cũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đội ngũ hòa giải viên nhiều nhưng không ổn định, phần lớn là người cao tuổi nên hạn chế về sức khỏe. Năng lực hòa giải viên vẫn còn hạn chế về kiến thức phấp luật để vận dụng vào công việc…
Ông Đinh Trung Trực, Phó Chủ tịch UB MTTQVN TP Cần Thơ cho biết, hệ thống Mặt trận đã tích cực tuyên truyền pháp luật về hòa giải đến các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân chấp hành pháp luật về hòa giải cơ sở.
Trong 3 năm từ 2016-2018, Mặt trận các cấp TP Cần Thơ đã chủ trì phối hợp tổ chức giám sát thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công gân gắn với công tác hòa giải ở cơ sở. “Sau giám sát đã đề xuất kiến nghị thành phố các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện tốt hơn công tác hòa giải trong thời gian tới”, ông Trực nói.
Tương tự, ông Phan Đức Trí, Trưởng phòng Tư pháp quận Cái Răng cho biết, Phòng đã tham mưu UBND quận chỉ đạo các phường, công chức Tư pháp – Hộ tịch phường thành lập 63 Tổ hòa giải cơ sở. Qua đó, đưa pháp luật đến người dân, giúp người dân hiểu và chấp hành tốt pháp luật, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn tranh chấp trong cộng đồng, góp phần giữ gìn đoàn kết, đảm bảo an ninh trật tự xã hội ở cộng đồng dân cư.
Hòa giải phải “thấu tình đạt lý”
Ông Trương Hồng Dự, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ cho rằng, biên bản hòa giải thành lần đầu rất quan trọng, làm kỹ sẽ thuận lợi về sau rất nhiều, nếu không sẽ tạo ra rắc rối, phức tạp sau này. Vì vậy, khi hòa giải cần đặc biệt chú ý thực hiện tốt công đoạn này. Ngoài ra, theo ông Dự: “Đưa ra hòa giải là đã mâu thuẫn, cần làm sao ngăn chặn không cho mâu thuẫn xảy ra. Để làm việc này, Ban nhân dân ấp, khu vực cần phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để biết mà ngăn chặn kịp thời”.
Đồng thời, ông Dự còn đề nghị: “Đề xuất nên đưa các vụ hòa giải thành trong các đợt tập huấn để tiến hành hòa giải”.
Nói về công tác hòa giải thực tế tại địa phương, ông Nguyễn Văn Bé Năm – Phó Khu vực 3 (phường Tân An, quân Ninh Kiều) – hơn 10 năm làm công tác hòa giải cho biết, làm công tác này phải thường xuyên đi tuyên truyền trong từng hộ dân, những hộ nào gặp khó khăn, mâu thuẫn thì phải tuyên truyền, giải thích cho họ hiểu. “Ngoài tuyên truyền pháp luật, mình còn phải giải thích cái tình cho 2 bên hiểu, làm sao để “thấu tình đạt lý”, hai bên có thể nhún nhường, hòa thuận lẫn nhau”, ông Năm nói.
Ông Võ Văn Chính, Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ cho rằng, tuyên truyền pháp luật tốt sẽ làm mọi người dân nắm và tuân thủ, thượng tôn pháp luật, giải quyết được các mối quan hệ, giúp công tác hòa giải nhẹ đi. Còn công tác hòa giải là đưa pháp luật vào đời thường để giải quyết mâu thuẫn cho người dân. Trong tình hình thực tế, có trên 80% các vụ khiếu nại, khiếu kiện xuất phát từ đất đai. Vì vậy để làm tốt công tác hòa giải, các hòa giải viên, tổ hòa giải tìm hiểu, nắm bắt pháp luật liên quan lĩnh vực này để có thể duy trì tình làng nghĩa xóm, giải quyết các vấn đề mới phát sinh, duy trì cuộc sống bền chặt, ổn định.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đánh giá cao kết quả công tác hòa giải của thành phố trong 5 năm qua.Đồng thời cho biết, hòa giải cơ sở là công tác hết sức quan trọng, góp phần tạo sự đoàn kết, gắn bó với cộng đồng. “Người Việt có câu nói rất nổi tiếng “Một trăm cái lý, không bằng một tí cái tình”, hàng xóm mang nhau ra tòa rồi thì khó gặp nhau lắm. Nếu hòa giải được thì rất tốt, góp phần gắn chặt tình làng nghĩa xóm”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, vì tính chất và vai trò quan trọng của công tác này cần hướng dẫn, bồi dưỡng đội ngũ hòa giải viên có kiến thức, kỹ năng và hiểu biết pháp luật. Đồng thời, cũng không ngừng đào tạo, nâng cao kỹ năng về pháp lý, kỹ năng xã hội.
Để nâng cao nhận thức, kiên thức pháp luật của người dân và Hòa giải viên, thành phố đã xây dựng, phát hành nhiều tài liệu về công tác hòa giải. Cung cấp 2.500 quyển Luật Hòa giải ở cơ sở cho đại biểu ban ngành, đoàn thể các cấp; làm tài liệu trang bị tại các tủ sách pháp luật địa phương, tủ sách tại các điểm Quán cà phê pháp luật trên địa bàn thành phố. Phát hành 18.000 tờ gấp tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở; 13.000 quyển sổ tay tuyên truyền thủ tục hành chính về Hòa giải ở cơ sở; 750 quyển Sổ tay và nghiệp vụ Hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, cung cấp 15.000 tài liệu phục vụ hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ Hòa giải ở cơ sở. Ngoài ra, thành phố còn tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi cấp thành phố để nâng cao sự hiểu biết của người dân và hòa giải viên về Hòa giải ở cơ sở.