Cần Thơ làm gì để thu hút nhà đầu tư từ Nhật Bản?
Trong chương trình xúc tiến đầu tư những năm gần đây, thành phố Cần Thơ xác định Nhật Bản là đối tác hợp tác đầu tư chiến lược, trọng điểm. Phía Nhật Bản cũng đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của thành phố Cần Thơ. Song đến nay, con số nhà đầu tư Nhật Bản rót vốn vào thành phố Cần Thơ vẫn khá khiêm tốn. Đâu là nguyên nhân và làm gì để Cần Thơ trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ quốc gia này?
Đối tác quan trọng
Sau một năm gián đoạn, mới đây, Chương trình giao lưu Văn hóa-Thương mại Việt Nam-Nhật Bản chính thức trở lại. Đây là chương trình do thành phố Cần Thơ phối hợp với Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường, Chương trình giao lưu Văn hóa - Thương mại Việt Nam - Nhật Bản là sự kiện được lãnh đạo thành phố quan tâm, tổ chức thường niên. Việc đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, giữa thành phố Cần Thơ với Nhật Bản không chỉ là dịp quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa đặc sắc của hai dân tộc, góp phần tăng cường tình hữu nghị mà còn là động lực thúc đẩy quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại với các đối tác Nhật Bản.
Cũng theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, trong quá trình hội nhập quốc tế, chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ xác định Nhật Bản là người bạn, là đối tác tin cậy và quan trọng. Để thúc đẩy hợp tác, chính quyền thành phố đã thành lập Văn phòng Japan Desk tại Cần Thơ và tại Tokyo, Osaka nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang thực hiện đầu tư kinh doanh; cung cấp các thông tin về môi trường đầu tư, cũng như các thông tin dự án, lĩnh vực mà Cần Thơ mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại địa phương. Thành phố Cần Thơ còn dành một khu đất 30ha để thành lập Khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản, dành riêng cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Hiện tại, khu công nghiệp này đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư Nhật Bản đến khai thác kinh doanh.
Cùng với thiện chí từ lãnh đạo thành phố Cần Thơ, phía doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã nhận thấy tiềm năng của thành phố và đẩy mạnh hợp tác, đầu tư. Ðiều này thể hiện rõ thông qua sự hỗ trợ của JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) và các nguồn hỗ trợ của các tổ chức khác. Ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Khi được hỏi ý định đầu tư, mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới, thì có 60% doanh nghiệp Nhật Bản đồng ý muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam. Qua khảo sát tại Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận giá đất và chi phí nhân công tăng cao cùng tỷ lệ nhập cư tại các khu công nghiệp vô cùng lớn, cho nên, đầu tư vào những khu vực này càng trở nên khó khăn. Vì thế có nhiều doanh nghiệp quan tâm khu vực lân cận Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là khi các tuyến cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long sắp hoàn thành, thì Cần Thơ sẽ là một trong những lựa chọn”.
Tương tự trả lời cho câu hỏi: Đối với các doanh nghiệp Nhật Bản thì nét hấp dẫn của thành phố Cần Thơ là gì?, bà Ogawa Megumi, Phó tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Đối với tôi, trước tiên là nguồn nhân lực chất lượng cao có được từ Đại học Cần Thơ, đại học bậc nhất của cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và môi trường. Tôi cũng nghe rằng có rất đông nguồn nhân lực đã từng có kinh nghiệm học tập hoặc lao động tại Nhật Bản ở các tỉnh lân cận thành phố Cần Thơ. Một điểm thu hút doanh nghiệp Nhật Bản nữa đó chính là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú về nông sản và thủy sản từ sông Mekong”.
Kiến tạo môi trường đầu tư
Dù được đánh giá là địa phương có tiềm năng, nguồn nguyên liệu phong phú về nông, thủy sản, nguồn lao động dồi dào và có nét tương đồng về văn hóa thế nhưng số doanh nghiệp đầu tư vào thành phố Cần Thơ còn ít. Thống kê từ Tổ chức JETRO Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy hiện có 1.854 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh; 339 doanh nghiệp đầu tư tại Bình Dương; 263 tại Đồng Nai; 143 tại Long An; 40 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Riêng tại thành phố Cần Thơ chỉ có 6 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,35 tỷ USD. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa với Nhật Bản là 233 triệu USD. Bốn tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu với Nhật Bản chỉ khoảng 50 triệu USD. Theo nhận định của Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện, thì các con số này còn khá khiêm tốn so với lợi thế về mối quan hệ hợp tác hữu nghị thân thiết giữa hai quốc gia, cũng như tiềm năng sẵn có giữa các địa phương.
Nhận định những rào cản thu hút làn sóng đầu tư Nhật Bản, nhiều chuyên gia cho rằng, dù là thành phố trực thuộc Trung ương nhưng dịch vụ đi kèm như những căn hộ dịch vụ, siêu thị kinh doanh hàng hóa Nhật Bản, nhà hàng món ăn Nhật Bản, các trường học dành cho con em chuyên gia nước ngoài và các cơ sở y tế với trang thiết bị và dịch vụ chăm sóc y tế tiên tiến... vẫn khá khiêm tốn. Ngoài ra cảng hàng không quốc tế chưa kết nối chuyến bay thẳng từ Cần Thơ đến Nhật Bản cũng gây khó cho doanh nghiệp khi muốn đầu tư.
Chia sẻ những điểm trừ mà thành phố Cần Thơ đang mắc phải, ông Toshiyuki Ishii, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược Hậu Giang cho rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản rất mong muốn lao động Việt Nam nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng đang làm việc trong các công ty Nhật Bản xây dựng được phong cách làm việc “2 đúng”. Đó là đi làm đúng giờ, sản xuất đúng tiêu chuẩn.
Đồng quan điểm, ngài Watanabe Michitaro, Thị trưởng thành phố Nasushiobara, một trong 3 địa phương có ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Cần Thơ cho hay: "Các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao nguồn nhân lực trẻ, dồi dào của Cần Thơ. Bên cạnh đó là sự chịu thương chịu khó, ham học hỏi của người lao động. Song để gia tăng hơn nữa lợi thế cạnh tranh về nhân lực, lao động cần xây dựng tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật trong công việc. Chúng tôi mong muốn lao động chú trọng phát triển khoa học công nghệ. Đây là yếu tố then chốt để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc trong thời kỳ mới, làm chủ máy móc thiết bị tự động hóa, công nghệ cao".
Với góc độ là người tiên phong trong giao lưu học thuật giữa Việt Nam và Nhật Bản; được Chính phủ Nhật Bản trao tặng Huân chương "Mặt trời mọc, Tia sáng vàng và Ruy băng cổ" (một huân chương cao quý do Thiên hoàng Minh trị lập ra), Giáo sư, tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, ngoài các yếu tố phổ biến cần có để thu hút một dự án đầu tư cho bất kể lĩnh vực nào như chi phí lao động, ưu đãi thuế, đất... thì còn cần phải chú ý tới cả hệ thống quản trị, văn hóa công ty, ngành nghề kinh doanh và các đặc điểm riêng của doanh nghiệp đầu tư. Đối với nhà đầu tư Nhật Bản, các đặc điểm đó càng nổi bật và khác biệt so với hầu hết các nhà đầu tư khác. Do đó, người lao động cần tìm hiểu kỹ về công việc do người Nhật thường tính toán dài hạn và có văn hóa làm việc suốt đời. Đặc biệt, lao động cấp quản lý cần tìm hiểu về công việc và công ty thật kỹ trước khi nhận việc nhằm tránh rủi ro không đáng có và để đảm bảo các chính sách sắp xếp/tiến cử lên các vị trí cao hơn. Ngoài ra, do các doanh nhân Nhật Bản chuộng dùng ngôn ngữ giao tiếp bằng tiếng Nhật nên nhân viên cấp trung cần chuẩn bị kỹ năng Nhật ngữ cơ bản.