Cần Thơ: Nhiều nông dân mạnh dạn áp dụng mô hình luân canh lúa - rau màu

Mô hình luân canh lúa - rau màu được nhiều nông dân tại Cần Thơ triển khai, mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đang ngày càng gia tăng tại các tỉnh/thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng, việc luân canh cây trồng là nhu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.

Những năm gần đây, ngoài mô hình “tôm - lúa” được xem là mô hình sản xuất thành công Đồng bằng sông Cửu Long, người nông dân còn áp dụng nhiều hình thức sản xuất khác, vừa tận dụng thế mạnh thổ nhưỡng, vừa thích ứng với diễn biến khó lường của xâm nhập mặn. Điển là việc áp dụng mô hình luân canh lúa - rau màu được nhiều nông dân tại Cần Thơ triển khai.

Mô hình trồng mướp hương trên nền đất ruộng tại quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ - (Ảnh: CTO).

Mô hình trồng mướp hương trên nền đất ruộng tại quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ - (Ảnh: CTO).

Rau màu thường được trồng luân canh vào vụ mùa hè thu - vụ mùa có nhiều nhiều điều kiện thời tiết bất lợi như tình trạng nắng nóng và khô hạn, nên nông dân phải tốn nhiều chi phí bơm tưới nước, đặc biệt là trồng lúa. Do vậy, việc chuyển đổi sang trồng các loại rau màu và cây trồng trên cạn không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất nhờ sử dụng nước tiết kiệm mà còn nâng cao được hiệu quả sản xuất.

Vụ hè thu năm nay, nông dân TP. Cần Thơ đã phát triển trồng nhiều loại rau màu trên nền đất ruộng như dưa leo, mướp hương, các loại bầu, bí, cà, ớt, bắp, đậu bắp, đậu nành, khoai lang, dưa hấu, cây mè.. Năm nay, nhiều loại rau màu có giá bán khá cao, trúng mùa nhất là các loại rau ăn quả, từ đó giúp thu nhập của nông dân được nâng cao so với làm lúa.

Chị Nguyễn Thị Lan quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ, đã trồng 5 công mướp hương trên nền đất lúa cho biết: “Vụ hè thu năm nay, gia đình tôi không trồng lúa mà trồng rau màu, chủ yếu là mướp hương. Với giá mướp hương ở mức 8.000-10.000 đồng/kg như thời gian qua, nông dân có thể kiếm lời từ 10-20 triệu đồng/công, tùy theo năng suất. Nhờ trồng mướp hương và các loại rau màu mà gia đình tôi cùng nhiều hộ dân tại địa phương đã có thu nhập đảm bảo hơn so với làm lúa”.

“Mướp hương dễ trồng, ít tốn công chăm sóc lại phù hợp với đất phèn, đất mặn thời gian trồng đến khi thu hoạch chỉ khoảng 45 ngày. Mỗi đợt thu hoạch kéo dài hơn 2 tháng và liên tục mỗi ngày”, Chị Lan chia sẻ thêm.

Ông Trần Văn Thắng ở quận Thốt Thốt không gieo sạ lúa vụ hè thu 2024 mà luân canh trồng đậu bắp trên diện tích 6 công đất cho biết: "Trồng đậu bắp không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất trong vụ hè thu mà còn góp phần cải tạo đất và cắt đứt các mầm sâu bệnh, tạo thuận lợi cho sản xuất lúa các vụ sau được trúng mùa. Vụ hè thu năm trước tôi cũng trồng đậu bắp, năng suất đạt khoảng 1,5 tấn/công, đậu bắp bán với giá từ 10.000-20.000 đồng/kg, tính ra tôi có thu nhập 15 triệu đồng/công, cao gấp 3 gấp 4 trồng lúa vụ hè thu. Cây đậu bắp chịu nắng hạn rất tốt, lại ngắn ngày, trồng chỉ 45 đến 50 ngày là thu hoạch nên cũng khá nhẹ chi phí đầu tư”.

Bên cạnh những thành công, nông dân tại nhiều nơi vẫn gặp nhiều khó khăn trong phát triển mô hình trồng rau màu vụ hè thu do nhiều khâu trong quá trình sản xuất chủ yếu còn được làm thủ công, chưa có các máy móc làm thay sức người. Đồng thời với truyền thống chuyên canh lúa, hiều nông dân cũng chưa dám đẩy mạnh chuyển đổi từ sản xuất lúa sang các mô hình luân canh lúa - màu hay chuyên canh trồng màu trên nền đất ruộng. Nguyên nhân do nông dân sợ trồng rau màu không đạt hiệu quả vì chưa rành các kỹ thuật canh tác, cũng như còn gặp khó về vốn đầu tư.

Ngoài ra, giá bán nhiều loại rau màu bấp bênh, biến động theo mùa vụ và phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ không được ổn định như lúa. Người nông dân cũng thiếu thông tin về nhu cầu thị trường, cũng như gặp khó khăn khó khăn trong việc kết nối với các doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ rau màu.

Trong bối cảnh ngập mặn, khô hạn ngày càng phức tạp như hiện nay, việc chuyển đổi các diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả và có nguy cơ bị thiếu nước tưới trong vụ hè thu sang trồng rau màu ít sử dụng nước và có khả năng chống chịu cao với nắng hạn là rất cần thiết. Do đó, người nông dân mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn và trở ngại trong việc phát triển trồng rau màu, nhất là trồng trên nền đất ruộng.

Ngân Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-tho-nhieu-nong-dan-manh-dan-ap-dung-mo-hinh-luan-canh-lua-rau-mau-322237.html