Cần Thơ phát hiện shop kinh doanh hàng tiêu dùng bày bán thuốc lá điện tử nhập lậu
Đoàn kiểm tra phát hiện ngoài việc kinh doanh hàng hóa gia dụng, cửa hàng còn bày bán khoản 300 sản phẩm thuốc lá điện tử nhập lậu gồm nhiều nhãn hiệu.
Nhằm tiếp tục thực hiện Công văn số 2374/TCQLTT-CNV ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Tổng cục Quản lý thị trường và Công văn số 1061/CQLTT-NVTH ngày 03 tháng 11 năm 2020 của Cục Quản lý thị trường TP. Cần Thơ về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.
Qua thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quản lý địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 3 phát hiện tại Hộ kinh doanh B.B Shop do bà B.T.H làm chủ hoạt động kinh doanh tại số 118, đường số 3 khu dân cư CB – GV ĐHCT, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ có kinh doanh thuốc lá điện tử nhập lậu.
Theo đó, chiều ngày 11/4/2023, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 3 tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh nêu trên.
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại đây ngoài việc kinh doanh hàng hóa gia dụng còn bày bán khoản 300 sản phẩm thuốc lá điện tử gồm nhiều nhãn hiệu. Tất cả các sản phẩm thuốc lá điện tử này có nhãn ghi xuất xứ Trung Quốc. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa. Tổng giá trị hàng hóa được xác định theo giá niêm yết hơn 39 triệu đồng.
Đội Quản lý thị trường số 3 đã tiến hành niêm phong, tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm và lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh B.B Shop do bà B.T.H về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu để xử lý theo quy định pháp luật.
Trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 3 tiếp tục bám sát địa bàn nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc kinh doanh trái phép thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.
Bên cạnh đó, trong tháng cao điểm An toàn thực phẩm năm 2023 và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ X sắp diễn ra trên địa bàn TP. Cần Thơ. Đội Quản lý thị trường số 3 tiếp tục xây dựng các kế hoạch kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, tăng cường công tác quản lý địa bàn để lập phương án kiểm tra đột xuất và phối hợp với các ban ngành trên địa bàn nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật về hoạt động thương mại của các tổ chức, cá nhân; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.