Cần Thơ phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng
Ngày 21/4, UBND TP Cần Thơ triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố.
Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP Cần Thơ Nguyễn Thành Kiên, hiện nay người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Việt Nam nói chung hầu như chưa có thói quen mua và đọc sách thường xuyên.
Trên tổng dân số 90 triệu người, tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới gần 30%. Riêng đối với đối tượng học sinh, sinh viên, số lượng đầu sách đọc hằng năm tuy có cao hơn nhưng phần lớn là đọc truyện tranh, tiểu thuyết tình cảm lãng mạn, mà lại hờ hững với văn chương chính thống và các đầu sách lịch sử, văn hóa, nghiên cứu, học thuật…
Trước thực trạng này, TP Cần Thơ với vị thế là trung văn hóa động lực của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, quyết tâm thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng với mục tiêu chung là xây dựng và phát triển thói quen đọc sách cũng như nâng cao kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên, qua đó góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn; đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ Đào Thị Thanh Thúy, để có thể khơi dậy văn hóa đọc trong cộng đồng, ngành Văn hóa thành phố sẽ tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người dân về việc đọc sách thông qua cải cách đồng bộ trên các phương diện: Viết sách, in sách, bán sách, phê bình sách.
Theo đó, thành phố sẽ xây dựng các giải pháp hỗ trợ sáng tác để tác giả viết sách hay, chất lượng, được in sách dễ dàng hơn. Thành phố cũng vận động các nhà xuất bản đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ biên tập viên để theo dõi và phân tích thị hiếu của độc giả một cách chính xác.
Riêng trong việc phê bình sách, cần hạn chế những bài phê bình thiên về tâng bốc, phóng đại và thiếu tính học thuật; khuyến khích nhà phê bình, điểm sách có chuyên môn, kiến thức rộng nhằm tạo tác động tích cực đến thị hiếu nghệ thuật của độc giả.
TP Cần Thơ cũng quan tâm nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập trên địa bàn theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hình thành thư viện điện tử nhằm phục vụ người dân tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức nhanh chóng, thuận tiện; cung cấp nguồn học liệu mở cho trường học và các nhà nghiên cứu.