Cần Thơ tổ chức hội thảo Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại quận Ninh Kiều
Sáng ngày 31/5, Hội thảo Triển khai đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP. Cần Thơ đã được diễn ra trong không khí nghiêm túc trao đổi và góp ý nhiệt tình.
Theo đề án, lộ trình phát triển KTBĐ của TP. Cần Thơ sẽ thực hiện lần lượt theo từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (từ năm 2022 đến 2024) triển khai mô hình thí điểm trên địa bàn quận Ninh Kiều. Ngoài các tuyến đường kinh doanh, buôn bán hiện có, sẽ tiếp tục mời gọi đầu tư đối với các địa điểm có tiềm năng như: khu vực từ cầu đi bộ đến đường Trần Phú, khu vực đường Lê Lợi, Khu vực rạch kè Khai Luông từ cầu đi bộ đến Nhà lồng 3 của Trung tâm thương mại Cái Khế… Giai đoạn 2 (năm 2024) sẽ đánh giá, đúc kết kinh nghiệm thí điểm và chuẩn bị các nguồn lực phát triển KTBĐ trên địa bàn toàn TP. Cuối cùng là giai đoạn 3 (năm 2025) vận hành, nhân rộng và phát triển các mô hình KTBĐ tại các quận, huyện còn lại của Cần Thơ.
Tại hội thảo, các đại biểu khách mời rất thằng thắng góp ý với lãnh đạo các sở, ngành, UBND quận tập trung xoay quanh những vấn đề làm sao nổi bật nét đặc trưng mỗi khi du khách đến Cần Thơ. Nhiều góc độ và định hướng khác nhau góp phần cho buổi hội thảo thêm đa chiều. Đặc biệt đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; các loại hình văn hóa phi vật thể như đờn ca tài tử, hò Cần Thơ…khi được lồng ghép vào một cách cụ thể và thường xuyên chắn chắn sẽ tạo được tiếng vang lớn để nền công nghiệp giải trí vùng đất châu thổ phát triển.
Bên cạnh những lợi ích việc phát triển KTBĐ mang lại, còn có những mặt tiêu cực khi thực hiện đề án gồm: ảnh hưởng đến đời sống dân cư ở khu vực lân cận (tiếng ồn, ánh sáng, môi trường…); khai thác tài nguyên tự nhiên và nhân tạo để phục vụ hoạt động KTBĐ có thể làm tổn hại môi trường; hoặc phát sinh vấn đề như gia tăng nguồn lực cho các hoạt động quản lý giao thông, an ninh trật tự… Do đó, trong quá trình xây dựng kế hoạch, thẩm tra, đánh giá các dự án đầu tư, phê duyệt các hoạt động cần xem xét ở nhiều khía cạnh lợi ích kinh tế, chi phí cơ hội và tác động của môi trường của từng dự án.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thái Bảo, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cho rằng, việc phát triển KTBĐ tuân thủ theo quy hoạch sẽ góp phần giải quyết việc làm, đóng góp vào tăng trưởng của TP. Ngoài ra đây cũng là dịp để mọi người giao lưu, kết nối với bạn bè và gia đình hơn, thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Thay mặt lãnh đạo UBND quận, ông Bảo gửi lời cảm ơn chân tình đến các sở ban ngành, các nhà tư vấn, nghiên cứu và các đơn vị làm công tác du lịch đã có những đóng góp vào đề án ngày càng hoàn thiện. Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều mong muốn các đơn vị có liên quan tiếp tục làm tốt nữa, để đảm bảo khi thực hiện đề án này không ảnh hưởng đời sống người dân, cũng như không làm mất văn hóa thuần phong tục, môi trường tại địa phương.
Cần Thơ với vai trò trung tâm vùng về giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo ở mức thấp nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Là TP có tiềm năng, triển vọng lớn, nên xác định việc thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) là một nhu cầu cấp thiết để góp phần gia tăng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng giải quyết việc làm cho người lao động và phục vụ tốt nhu cầu vui chơi giải trí cho người dân trong, ngoài tỉnh và khách quốc tế. Nhưng hiện tại TP chưa có khu vực KTBĐ tập trung đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm của du khách và người dân đô thị. Vì lẽ đó, phát triển KTBĐ của TPCT rất cần thiết.
Xuất phát từ định hướng phát triển chung và tiềm năng, triển vọng hiện có của TP. Cần Thơ. Việc phát triển KTBĐ trên địa bàn của TP góp phần gia tăng chi tiêu của du khách và người dân. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế về đêm hiện có trên địa bàn TPCT chủ yếu là các dịch vụ ăn uống giải trí, các dịch vụ vui chơi giải trí karaoke, bar…. TP chưa có khu vực KTBĐ tập trung một cách thật sự nổi bật và níu kéo du khách đến những lần sau. Theo đánh giá của đề án, trong tổng 9 quận, huyện của Cần Thơ, thì quận Ninh Kiều có nhiều tiềm năng phát triển mô hình KTBĐ tập trung và sẽ là quận thí điểm mô hình này đầu tiên.