Cần Thơ: Về Bình Thủy, nghe kể chuyện Ông Dựa
Từ trung tâm quận Bình Thủy (Cần Thơ) đi theo đường Bùi Hữu Nghĩa gần đến UBND phường Long Tuyền, sẽ qua cầu Ông Dựa. Cầu Ông Dựa bắc ngang qua rạch Ông Dựa, cuối rạch có miếu Ông Dựa, xóm xung quanh khu vực này thường được bà con gọi là xóm Ông Dựa... Vậy, ông Dựa là ai mà lại được chọn đặt tên cho vùng đất này?
Trước khi đi vào chuyện về ông Dựa, xin thuật lại đôi điều thú vị về địa danh dân gian ở làng cổ Bình Thủy - Long Tuyền. Sông Bình Thủy xuôi dòng từ đầu làng đến cuối làng, chiều dài chừng 15 cây số. Dọc sông có nhiều con kinh rạch và điều thú vị là được đặt theo tên người. Trong đó, thú vị nhất là các địa danh dân gian “Ông”, “Bà”. Có thể kể đến như: Bà Chủ Kiểu, Bà Chín và Bà Dố; Ông Đỏ, Ông Hương, Ông Kinh, Ông Đội, Ông Tường, Ông Quới, Ông Dựa... Mỗi địa danh là một sự tích gắn với lịch sử vùng đất, con người nơi đây, tôn vinh một nhân vật đã có công khai khẩn, lập ấp để con cháu hôm nay nương nhờ công đức tiền nhân mà phát triển quê hương.
Địa danh Ông Dựa cũng gắn với một nhân vật tiền hiền như thế. Theo bà con địa phương kể lại, cũng như qua lời kể của cụ Nguyễn Tấn Vĩnh, người cố cựu của làng cổ Bình Thủy - Long Tuyền (nay đã mất), chừng 200-300 năm trước, vùng đất Ông Dựa ngày nay còn hoang sơ lắm. Cảnh tượng hoang vu, đầy thú dữ trên bờ, cá tôm dưới sông nhiều không sao kể xiết. Vợ chồng ông Dựa là người đầu tiên đến khai khẩn, lập nghiệp. “Đất cũ đãi người mới” lại nhờ chí thú làm ăn, siêng năng làm lụng nên cơ ngơi của ông Dựa ngày càng lớn mạnh. Tiếng lành về vùng đất của ông Dựa dễ bề làm ăn lan truyền khắp nơi. Bà con rủ nhau về đây lập nghiệp. Ông Dựa thịnh tình tương trợ, giúp đỡ, bày cách cho bà con làm ăn, khai khẩn. Nhận nơi này là quê hương, nhìn người đến đây là hàng xóm, bao người về đây sinh cơ lập nghiệp khiến nét trù phú của xóm làng ngày càng khởi phát. Nhớ ơn ông Dựa, bà con gọi xóm này là xóm Ông Dựa rồi rạch Ông Dựa, trường học Ông Dựa, cầu Ông Dựa...
Tương truyền rằng, ông Dựa không con cháu, sống hiu quạnh tuổi già trong tình thương của xóm giềng. Khi ông cưỡi hạc quy tiên, xóm làng tiếc thương, lo hậu sự, chôn cất ông chu đáo. Bà con còn lập miếu thờ Ông Dựa để tỏ lòng nhớ ơn người tiền hiền có công mở đất. Đến tận bây giờ, ngày 25 tháng 4 hằng năm, bà con trong vùng đều tổ chức cúng giỗ cho vợ chồng ông Dựa, nghi thức tuy đơn sơ nhưng thơm thảo, kính cẩn.
Công trình “Truyện dân gian Cần Thơ” có ghi lại bài thơ dân gian được truyền tụng ở vùng Long Tuyền, Bình Thủy ca ngợi công đức ông Dựa. Thơ rằng:
“Xưa, vợ chồng ông Dựa
Từ xa đến nơi đây
Con thuyền và chiếc rựa
Ra sức khẩn vùng này
Rừng rậm hóa ruộng rẫy
Làm tất bật ngày đêm
Đất lành chim bay nhảy
Tiếp bước người đến thêm
Nhà ở, ngày đông nhộn
Sản xuất dốc hết lòng
Ấm no cười vang xóm
Mừng gạo trắng nước trong
Ngày nọ, ông bà chết
Bà con khóc thương chôn
Thờ, cúng kiếng, giỗ, Tết
Danh ông Dựa trường tồn”
Lần tìm về lai lịch của ông Dựa, chúng tôi có thêm tư liệu trong quyển “Chuyện làng cổ Bình Thủy - Long Tuyền” của tác giả Nguyễn Sương. Trong quyển này, tác giả cho biết đến nay, không ai biết rõ họ tên, năm sinh, năm mất của ông Dựa vì lớp bụi thời gian. Người ta chỉ biết ông là người Đàng Cựu về đây khai khẩn, lập nên ấp trại Bình Khánh, sau đổi lại ấp Bình Thủy, thuộc làng cổ Bình Thủy - Long Tuyền.
Điểm khác ở tư liệu của tác giả Nguyễn Sương là vợ chồng ông Dựa có hai người con trai. Cũng giống như câu chuyện chúng tôi đã thuật ở trên, ông Dựa về đây khai khẩn, lần hồi có của ăn của để và giúp đỡ người đến sau làm ăn. Chỉ có chi tiết khác là có mốc thời gian “giặc Pháp xâm chiếm Nam kỳ Lục tỉnh”, đàn áp phong trào yêu nước của nhân dân ta. Hai người con trai của ông Dựa bị bắt đi lính. Vì thương con nên bà Dựa dẫn hai con trốn biệt tăm, nghe đâu lên vùng Bảy Núi tầm sư học đạo, từ đó biền biệt không về. Ông Dựa với 9 mẫu đất đã khẩn hoang tươi tốt lo làm ăn trong cảnh đơn độc. Cũng theo tác giả Nguyễn Sương, vì không có thân nhân nên đất đai của ông Dựa sau khi ông qua đời đã được sung vào công điền, công thổ. Mộ phần của ông được làm bằng đá ong đỏ, không mộ chí, chôn ngoài vàm rạch. Kế đó có miếu Ông Dựa. Sau này, miếu Ông Dựa được dời về cuối rạch như bây giờ. Tác giả Nguyễn Sương cho biết thêm, giỗ ông Dựa vào ngày 25 tháng 4 âm lịch hằng năm được định ngày cố định từ năm 1965 cho tới nay.
Tìm đến miếu Ông Dựa nằm ở cuối rạch Ông Dựa, chúng tôi được bà con niềm nở kể về chuyện người xưa khai khẩn. Thời gian đằng đẵng, dù có nhiều chi tiết không trùng khớp nhưng điều rốt cùng vẫn là tấm lòng tri ân các bậc tiền nhân, tấm lòng thảo thơm “cây có cội, nước có nguồn”. Miếu Ông Dựa được cất lại gần đây, chỉ một gian nhỏ gọn chừng 9 mét vuông. Chúng tôi ghi nhận các câu đối, vật thờ trong miếu và khảo tả như sau: Phía bên ngoài có bảng “Miếu Ông Dựa” bằng chữ quốc ngữ và đôi câu đối: “Phá thổ trang điền lưu đức hậu. Khai thành điều phú cảm tiền ân” (đại ý: người xưa có công khai phá đất đai, để đức cho con cháu, con cháu nhớ ơn). Bên trong chính điện ghi: “Vạn cổ anh linh. Cung thỉnh Ông Dựa chi vị”. Hai bên có câu đối: “Cổ nhật khai thành truyền đức hậu. Niên thời lập miễu báo tiền ân” (đại ý: Ngày xưa tiền nhân khai khẩn đất đai truyền cho hậu thế. Ngày nay con cháu lập miễu nhớ ơn người xưa). Phía dưới khánh thờ có bài vị. Bên trái chính điện thờ Tả ban, Hữu ban; bên phải thờ Thổ Thần. Ngôi miếu tuy nhỏ gọn nhưng tươm tất, cung kính, được người dân vùng này cúng kính, gìn giữ cẩn thận.
Đời truyền đời, tên gọi Ông Dựa làm hiển vang thêm vùng đất Bình Thủy - Long Tuyền. Tên đất, tên người hòa làm một, làm nên một tấm bia ngàn năm ghi dấu lịch sử xứ sở, ghi tạc công đức tiền nhân. Quý thay câu: “Niên thời lập miễu báo tiền ân”.
Nguồn: baocantho.com.vn
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/can-tho-ve-binh-thuy-nghe-ke-chuyen-ong-dua-a3368.html