Cần Thơ: Xóm chạy thận nghèo lay lắt trong mùa dịch
Trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các bệnh nhân ở xóm chạy thận thuộc phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ lại oằn mình, lay lắt giữa muôn trùng khó khăn...
Một chiều đầu tháng 8, Cần Thơ đang bước qua những ngày đầu trong đợt giãn cách thứ 2 theo Chỉ thị 16. Những đường phố vắng tanh, hàng quán đóng cửa im ỉm trong khí trời ảm đạm. Những hoạt động không cần thiết đều được tạm ngưng, người dân đều phải ở trong nhà và chỉ ra đường khi thật sự cần thiết.
Nhưng đối với một số bệnh nhân của căn bệnh thận mạn tính, họ không thể ở yên được trong nhà, hai quả thận của họ cần được máy móc hỗ trợ để duy trì sự sống.
Ở gần dốc cầu Hưng Lợi thuộc phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, một dãy nhà trọ đang che chở cho 40 người dân các nơi đổ về Cần Thơ để được chạy thận hàng tuần. Nơi có những con người cùng hoàn cảnh, vậy là một xóm nhỏ được lập nên, với tên gọi "xóm chạy thận".
Những thành viên của “đại gia đình” này chủ yếu đến từ Vĩnh Long, Đồng Tháp và các huyện ở TP Cần Thơ. Có người ở đây gần 1 tháng, có người đã gần 2 tháng... Họ nhớ nhà, nhớ hàng xóm láng giềng, cảnh hiu quạnh trong những ngày giãn cách xã hội càng khiến họ buồn hơn khi có ai đó hỏi thăm đến.
Trông già hơn cái tuổi 62, đi đứng rất khó khăn nên thường ngồi xe lăn…, đó là những di chứng sau bao năm chạy thận mạn tính của ông Đinh Văn Nguyên (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). Thời gian trước, ông và vợ thường ở hẳn bệnh viện để mỗi tuần đều đặn chạy thận 3 lần tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Nay dịch bệnh bùng phát, giãn cách xã hội, ông không thể ở lại bệnh viện được, các bác sĩ giới thiệu ông đến thuê trọ ở đây.
“Giờ tôi chỉ mong muốn hết dịch để có thể về quê chơi ít bữa. Tới ngày chạy thận thì lên lại. Ở trọ đây cũng rất tốt, một số bà con thương tình hay cho cơm từ thiện, nhưng lâu quá không về, vợ chồng tôi đều nhớ nhà” - ông Nguyên thở dài, mắt nhìn xa xăm.
Trong khi đó, mới 40 tuổi, nhưng anh Hồ Văn Sang (cùng ngụ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đã có “thâm niên” gần 15 năm chạy thận. Vợ chồng anh nghèo, ruộng đất không có. Họ làm thuê làm mướn, chắt chiu bao nhiêu năm mới có được một mái ấm cho 4 thành viên. Rồi giông tố ập đến, anh mắc bạo bệnh, gia đình lâm vào cảnh cùng quẫn. Những đồng tiền ít ỏi dành dụm được đều đổ vào 2 quả thận của anh. Tài sản trong gia đình vật gì có giá trị cũng lần lượt phải bán đi. Hơn 1 năm nay, anh Sang lấy được bảo hiểm y tế nên gánh nặng chi phí điều trị nhẹ đi được đôi phần.
Khổ nhất là trong những ngày giãn cách xã hội, không ở lại được bệnh viện, vợ chồng anh phải tốn thêm một khoản chi phí để trọ bên ngoài. Rồi đến ngày chạy thận, để vào được bệnh viện họ phải test nhanh Covid-19, hai vợ chồng mất hơn 500.000 đồng. Nguồn thu không có, tiền bạc thì mỗi ngày đều phải chi ra.
“Chúng tôi còn nợ ngân hàng 70 triệu đồng. Bây giờ mỗi tháng chúng tôi phải chi ít nhất 5 triệu đồng. Con cái thì may mà gửi nhờ được nhà ông bà nội cũng đỡ phần nào. Chúng tôi sắp chịu không nổi nữa rồi. Chỉ mong dịch bệnh mau hết để mọi người trở lại cuộc sống bình thường” - vợ anh Sang nói trong nước mắt.
Ở xóm chạy thận này, trong mỗi hoàn cảnh đều có những bi kịch của riêng họ. Có thể hình dung họ trong vài từ ngắn ngủi: Nghèo, bệnh tật bủa vây. Mỗi ngày của họ trong thời gian này là ở yên trong phòng trọ, chờ cơm từ thiện, hoặc đi chợ nấu ăn rồi chờ đến kỳ tới bệnh viện chạy thận. Họ chấp nhận và sống qua ngày trong đầy rẫy khó khăn. Họ không có cơ hội để lựa chọn cuộc sống hay con đường khác.
Cảm thông trước hoàn cảnh khó khăn của những người thuê trọ đặc biệt này, anh Trần Quốc Thành (chủ nhà trọ của 40 người chạy thận) cùng vợ đã bàn bạc và quyết định giảm giá một nửa tiền thuê phòng để phần nào hỗ trợ cho những người khó khăn. Trong những căn phòng trọ của anh lúc này, có những căn đến 4, 5 người ở.
Anh Thành còn miễn phí thêm điện, nước khiến những người đến trọ rất cảm động. Chủ nhà trọ cũng kể thêm, trước khi có quyết định giãn cách xã hội, những bệnh nhân trên có tìm đến thuê phòng ở để điều trị bệnh. Nhìn thấy những người lớn tuổi, đi lại khó khăn nên anh quyết định giúp đỡ.
Không tiếc công sức, anh Trần Văn Hiền (ngụ thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) xin được giấy đi đường của quận Cái Răng để mỗi ngày 2 buổi có thể mang cơm, bánh mì, khoai lang… hay những nhu yếu phẩm sang cho xóm chạy thận. Nhiều năm trước, anh Hiền chính là người đã dựng lên một mái ấm tại Vĩnh Long cho người chạy thận ở những nơi xa, tập trung về một chỗ để tiện cho việc chạy thận theo định kỳ.
Xóm chạy thận đang vật vã, lay lắt từng ngày…
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/can-tho-xom-chay-than-ngheo-lay-lat-trong-mua-dich-430080.html