Cần thống nhất, chuẩn hóa lại chương trình đào tạo ĐHSP âm nhạc
TS Lê Vinh Hưng - Trưởng khoa Sư phạm Âm nhạc, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương – cho rằng, cần chuẩn hóa các chương trình đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, thống nhất xây dựng và đánh giá chuẩn đầu ra là việc cần phải giải quyết đồng bộ ở các trường sư phạm và các trường văn hóa nghệ thuật trong thời gian tới.
Môn thực hành liên quan tới âm nhạc chiếm khá khiêm tốn
Tham luận tại hội nghị “Nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học” do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 21/8, TS Lê Vinh Hưng cho biết: Theo chương trình khung đào tạo giáo viên trình độ ĐH sư phạm âm nhạc của Bộ GD&ĐT, tỉ lệ các môn thực hành liên quan tới âm nhạc chiếm khá khiêm tốn (27/210 đơn vị học trình). Trong đó bao gồm các môn: Ký xướng âm (16 đơn vị học trình), Nhạc cụ (4 đơn vị học trình), Thanh nhạc (4 đơn vị học trình), Hát đồng ca - hợp xướng (3 đơn vị học trình).
Tỷ lệ trên là chưa cân đối, quá ít để tạo ra người thầy có khả năng giỏi về thực hành. Chưa tính đến một số cơ sở đào tạo khi tuyển sinh đầu vào còn chưa yêu cầu thí sinh thực hành trên đàn, không thực sự có năng khiếu âm nhạc.
"Trên thực tế, một số trường sư phạm đã chủ động điều tiết khi xây dựng chương trình đào tạo cho cơ sở của mình" - TS Lê Vinh Hưng chia sẻ.
Do vậy, sinh viên tốt nghiệp khó có thể đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu về các kỹ năng đàn, hát và tổ chức các hoạt động âm nhạc như mong muốn mà mục tiêu chương trình giáo dục âm nhạc phổ thông mới đề ra.
Để đáp ứng được mục tiêu của chương trình giáo dục âm nhạc phổ thông mới đề ra, theo TS Hưng, cần phải thống nhất, chuẩn hóa chương trình đào tạo trình độ ĐH sư phạm âm nhạc theo hướng mới. Chương trình đào tạo cần tập trung tới các kỹ năng thực hành, giảm tỉ lệ lý thuyết. Hơn nữa, theo quy luật biện chứng của sự phát triển, thì cần phải tiếp tục xây dựng cái mới cho phù hợp với sự phát triển chung của giáo dục.
Ngoài việc thực hiện theo quy định của Bộ về tiêu chuẩn của thí sinh thi vào ngành sư phạm, các trường đào tạo sư phạm âm nhạc cần có đề xuất phương thức tuyển sinh riêng với Bộ GD&ĐT, tập trung hướng đến học sinh có năng khiếu âm nhạc thực sự.
Song song với chương trình đào tạo chính quy, liên thông vừa học vừa làm - việc tiếp tục nghiên cứu xây dựng các chương trình bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng theo định kỳ, theo chuyên đề hàng năm… cho giáo viên âm nhạc ở các cấp học là hết sức cấp thiết.
Qua đó, giáo viên được bổ sung những thông tin mới về ngành, được trao đổi thảo luận nghiên cứu về phương pháp dạy học, sử dụng các phương tiện dạy học cho việc dạy học âm nhạc theo chương trình mới.
Chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, thống nhất xây dựng chuẩn đầu ra
Cũng theo TS Hưng, các trường đào tạo hệ ĐH sư phạm âm nhạc cần phải cùng nhau xây dựng tiêu chuẩn đầu ra phù hợp cho chuyên ngành này. Nếu các trường đào tạo trình độ ĐH sư phạm âm nhạc thống nhất được chuẩn đầu ra thì mới có thể thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH là “không phân biệt văn bằng theo hình thức đào tạo”.
Về đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đào tạo trình độ ĐH sư phạm âm nhạc, đánh giá của TS Hưng là rất đa dạng, được tập hợp từ nhiều nguồn đào tạo. Phần lớn các giảng viên có đủ tiêu chuẩn về bằng cấp (thạc sĩ, tiến sĩ), năng lực. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bằng cấp và năng lực của các nguồn đào tạo khác nhau cung cấp cho mỗi người, còn việc đáp ứng được dạy học hay chưa còn tùy thuộc vào yêu cầu đào tạo do cơ sở đề ra.
Chẳng hạn, các giảng viên dạy bộ môn Thanh nhạc/Nhạc cụ của Khoa Sư phạm Âm nhạc thuộc Trường ĐHSP Nghệ thuật, tiêu chuẩn “hành nghề” tối thiểu phải đạt trình độ ĐH chuyên ngành Thanh nhạc/Nhạc cụ.
Thậm chí, khi giảng viên đó có bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ các ngành khác (Văn hóa học, Quản lý giáo dục, Nghệ thuật học, Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc…) mà chưa tốt nghiệp ĐH thuộc hai chuyên ngành trên, thì cũng khó có thể đạt chuẩn kỹ năng để dạy học bộ môn Thanh nhạc/Nhạc cụ.
Đối với một số cơ sở đào tạo trình độ ĐH sư phạm âm nhạc, tiêu chuẩn này hầu như chưa khả thi với họ, bởi lẽ, họ còn thiếu nhiều giảng viên được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong hai chuyên ngành trên.
“Hiện nay, phần lớn giảng viên đang giảng dạy âm nhạc trong các trường sư phạm/trường văn hóa nghệ thuật đang làm công việc truyền đạt những cái mà họ có, chứ chưa làm được tốt vai trò của giảng viên hướng dẫn sinh viên theo sự đòi hỏi của công việc giáo dục âm nhạc phổ thông.
Theo chúng tôi, các chương trình hội thảo, tập huấn về phương pháp dạy học âm nhạc, các chương trình phát triển giáo dục âm nhạc theo năng lực của người học… không chỉ triển khai ở các cán bộ, giảng viên chủ chốt mà cần phải thường xuyên mở rộng đến các giảng viên trực tiếp dạy học âm nhạc trong các trường sư phạm/trường văn hóa nghệ thuật bằng nhiều hình thức” – TS Lê Vinh Hưng đề xuất.
Từ các hình thức đào tạo, cách cấu tạo các môn học, cách tổ chức lớp học, qui mô/biên chế lớp học của từng môn học âm nhạc là không thể rập khuôn như đào tạo các chuyên ngành khác. Biên chế giờ dạy học một thầy lên lớp với 2 trò ở môn Thanh nhạc và Nhạc cụ; biên chế nhóm từ 15 đến 20 sinh viên tổ chức lên lớp với 2 thầy (1 thầy dạy hát, 1 thầy đệm đàn piano) đối với môn học Chỉ huy hợp xướng và Hát hợp xướng… đến nay đang còn làm “thao thức” nhiều nhà quản lý.
Do vậy, nếu các cơ quan hữu trách thấu hiểu và cảm thông thì đó là những yếu tố hết sức quan trọng cho việc đào tạo giáo viên âm nhạc có trình độ, có năng lực đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục âm nhạc phổ thông mới.