Cần thu hồi quyết định kỷ luật 2 cô giáo Kỳ Sơn
Khi biết tin Phòng GD-ĐT Kỳ Sơn (Nghệ An) ra quyết định kỷ luật nhân viên thư viện chụp ảnh học sinh đeo khẩu trang giấy và cô giáo phê phán việc thay sách vì quá tốn kém rồi đăng Facebook cá nhân – là nhà giáo, tôi bất ngờ.
Thứ nhất, kỷ luật giáo viên (nói chung là viên chức) căn cứ vào Nghị định 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi hoàn, hoàn trả của viên chức. Theo Nghị định này, cả hai trường hợp mà Phòng GD-ĐT Kỳ Sơn vừa ban hành kỷ luật không nằm trong quy định đó.
Thứ hai, tại Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT Ban hành Quy tắc ứng xử trong trường học mầm non, giáo dục phổ thông – chiếu theo Điều 6 (ứng xử của giáo viên) và Điều 7 (ứng xử của nhân viên), hai cô vi phạm gì mà Phòng GD-ĐT Kỳ Sơn kỷ luật?
Thứ ba, tại Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT Ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo – ở Điều 6 của Thông tư này: Giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo gồm 11 nội dung – hai cô giáo Kỳ Sơn cũng không sai phạm.
Thứ tư, hình ảnh đeo khẩu trang giấy của học sinh lớp 6B Trường phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Phà Đánh do cán bộ thư viện của trường này đăng ở Facebook cá nhân được lãnh đạo ngành giáo dục Kỳ Sơn quy kết là hình ảnh phản cảm.
Tuy nhiên, trong bức ảnh, các cháu ngay ngắn ngồi, không hề đùa giỡn như nói lên thực tế: trường các cháu đang thiếu khẩu trang y tế. Hình ảnh làm lay động trái tim của nhiều người, như thay lời muốn nói về nguyện vọng tha thiết: Khẩu trang y tế cho học sinh vùng khó để phòng, chống dịch Covid-19.
Phản cảm hay thấu cảm? Như đánh giá của Phòng GD-ĐT Kỳ Sơn, xin hỏi phản cảm ở chi tiết nào? Và khi nhận định hành vi đó là sai, sai đến đâu, tác hại ra sao, phản ứng của phụ huynh, học sinh tại đây và trong tỉnh – ngành GD-ĐT Kỳ Sơn có khảo sát trước khi ban hành Quyết định kỷ luật hay không?
Thứ năm, với trường hợp cô giáo tại Trường phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS xã Tà Cạ bị khiển trách do đăng tin thiếu chuẩn mực. Với việc thay sách giáo khoa cần phải đầu tư một khoản kinh phí lớn từ Ngân sách Nhà nước hoặc các khoản vay từ Ngân hàng thế giới, thì đây là một sự cảnh báo về hiệu quả, sao ngành giáo dục Kỳ Sơn lại kết luận là thiếu chuẩn mực?
Mấy lần cải cách, thay sách giáo khoa trước đây, tiêu tốn nhiều nghìn tỷ đồng, rồi kết quả thế nào? Chẳng hạn, sách giáo khoa phân ban, hiện nay hầu hết các nhà trường THPT đều sử dụng sách giáo khoa Ban Cơ bản, sách giáo khoa dành cho hai ban còn lại đi đâu? Có tốn kém không?
Việc cô giáo đăng dòng trạng thái lo liệu sự tốn kém khi thay sách giáo khoa là cần thiết. Cảnh báo để nhà quản lý giáo dục không đi theo vết xe đổ, cảnh báo để hội đồng chọn sách giáo khoa của từng trường học làm việc cẩn trọng, công tâm – dòng trạng thái đó sao quy kết trái với đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của ngành giáo dục?
Thứ sáu, lẽ thường thì định hướng để tập trung; phản biện để phát huy dân chủ; làm đúng quy định hiện hành để giữ kỷ cương, phép nước. Được vậy sẽ tạo sự đồng thuận cao trong mỗi nhà trường, đến từng giáo viên đối với đổi mới giáo dục nói chung cũng như việc chọn sách giáo khoa lớp Một hiện nay. Chuyện đại sự ấy cần lắng nghe phản ảnh, đề xuất, nguyện vọng và cả những phê phán “Trung ngôn, nghịch nhĩ”.
Thiết nghĩ, hai Quyết định kỷ luật mà Phòng GD-ĐT Kỳ Sơn vừa ban hành hoàn toàn không phù hợp. Tôi hoan nghênh sự tiếp thu của Sở GD-ĐT Nghệ An, nhưng, cá nhân và tổ chức ban hành kỷ luật sai cần rút kinh nghiệm sâu sắc và căn cứ vào các quy định hiện hành có thể phải xem xét kỷ luật người ký hai Quyết định trên.
Cứ kỷ luật thế này, sao giáo viên dám nói thật?
Khách quan mà nói, việc dùng hình thức kỷ luật dù chỉ khiển trách, phê bình của Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn là hoàn toàn sai, bởi những thầy cô giáo ấy không vi phạm gì hết.
Về việc chụp hình ảnh học sinh mang khẩu trang giấy, cô Phim cũng chỉ mong muốn cộng đồng có thể chung tay tài trợ cho trẻ vùng khó có được những chiếc khẩu trang để bảo vệ trong mùa dịch.
Cô giáo nhận xét sách giáo khoa mới chỉ là “bình mới rượu cũ” - đây chính là ý kiến dựa trên sự hiểu biết của cô. Cô có quyền nói thế và chắc chắn sẽ chứng minh được vì sao mình lại nhận xét như vậy...
Không riêng gì Kỳ Sơn, không ít ngành giáo dục của địa phương hiện đang có những quy định ngầm, những luật bất thành văn để khống chế giáo viên.
Thầy cô bị tước hết quyền tự do của mình, ngay một cái quyền đơn giản như thích các bài viết về giáo dục cũng chẳng dám (trừ những bài khen ngợi).
Ai trái ý lập tức bị gọi lên đe nẹt, hăm dọa kỷ luật và đề nghị chuyển trường đi nơi xa. Giáo viên nào mà chẳng khiếp, chẳng sợ và cách tốt nhất là cấp trên bảo gì làm đó dù bất bình cũng chẳng thể phản kháng.
Chưa hết, trong những cuộc họp của ngành, họ liên tục được đưa ra nhắc nhở để những người khác nhìn vào làm gương mà phục tùng.
Đụng tý là áp quyền kỷ luật, bảo sao giáo viên không dám nói thật.