Cần thu hút mọi nguồn lực đầu tư vào vùng núi, khu vực nghèo nhất cả nước

Để khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, phát triển bền vững khu vực miền núi, ngoài các nguồn lực trong nước, cần nguồn đầu tư nước ngoài - một kênh thu hút đầu tư quan trọng.

Thời gian qua, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có những chuyển biến tích cực, đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên, vùng này vẫn là khu vực nghèo nhất của cả nước.

TS Hoàng Văn Xô, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Dân tộc cho biết: Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số nằm ở 52 tỉnh thành phố, trên diện tích bằng 2/3 diện tích cả nước Việt Nam với 11,7 triệu đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 11% dân số cả nước.

 Cần thu hút mọi nguồn lực đầu tư vào vùng núi, khu vực nghèo nhất cả nước. (Ảnh: QĐND)

Cần thu hút mọi nguồn lực đầu tư vào vùng núi, khu vực nghèo nhất cả nước. (Ảnh: QĐND)

Vì vậy, ông Xô cho rằng, để khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, phát triển bền vững khu vực miền núi, ngoài các nguồn lực trong nước, cần nguồn đầu tư nước ngoài - một kênh thu hút đầu tư quan trọng.

Thực tế cho thấy, đồng bào thiểu số có thể làm tốt trong nhiều ngành nghề kinh tế - xã hội khi được trao cơ hội. Trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội có rất nhiều người dân tộc thiểu số đã thành công, đã nổi tiếng.

“Tài sản lớn nhất của đồng bào dân tộc thiểu số đó là trong 11 triệu người, có tới 8 triệu người đến tuổi lao động. Vì vậy chúng tôi hướng tới để những chính sách đưa đồng bào thoát nghèo, thì một trong những chính sách đó chính sách về đào tạo”, ông Xô nói.

Để tiếp tục khai thác tiềm năng của khu vực này, Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Ủy ban Dân tộc vừa ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế (ISC), nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài và tăng cường xúc tiến đầu tư tại các tỉnh miền núi của Việt Nam.

 Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Ủy ban Dân tộc vừa ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế (ISC). (Ảnh: VIPFA)

Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Ủy ban Dân tộc vừa ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế (ISC). (Ảnh: VIPFA)

Theo thỏa thuận hợp tác, ISC và Vụ Hợp tác Quốc tế sẽ phối hợp chặt chẽ trong ba lĩnh vực then chốt, bao gồm: Đào tạo kiến thức pháp luật, kỹ năng quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài và nghiệp vụ xúc tiến đầu tư cho cán bộ các tỉnh miền núi; Chủ trì, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư vào các tỉnh miền núi; Tư vấn lẫn nhau trong các hoạt động liên quan đến hợp tác đầu tư quốc tế.

Ông Phan Hữu Thắng, Chủ tịch ISC và Chủ tịch Liên Chi hội Tài chính Khu Công nghiệp Việt Nam (VIPFA), cũng bày tỏ niềm tin vào giá trị cốt lõi của định hướng phát triển “Không bỏ lại ai, địa phương nào phía sau” của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

ISC tự nguyện tham gia vào định hướng này thông qua việc hợp tác với Ủy ban Dân tộc, nhằm cùng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương miền núi.

“Với năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư quốc tế, ISC mong muốn đóng góp vào nỗ lực chung của Chính phủ trong việc hỗ trợ các địa phương miền núi thu hút đầu tư hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước,” ông Phan Hữu Thắng nhấn mạnh.

Với tầm nhìn chiến lược và cam kết mạnh mẽ, các chuyên gia cho rằng, sự hợp tác giữa ISC và Ủy ban Dân tộc hứa hẹn sẽ mang lại những cơ hội và triển vọng mới cho các địa phương miền núi trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện và không bỏ lại ai phía sau của Chính phủ Việt Nam.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-thu-hut-moi-nguon-luc-dau-tu-vao-vung-nui-khu-vuc-ngheo-nhat-ca-nuoc-post299972.html