Cần thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công

Có tới 92 lượt ý kiến phát biểu tại 19 tổ đại biểu Quốc hội (ĐB) liên quan chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết trong báo cáo tổng hợp gửi đến ĐB ngày 18-6.

Quốc hội bày tỏ quan tâm sâu sắc đến chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa

Quốc hội bày tỏ quan tâm sâu sắc đến chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa

Theo báo cáo, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội nhất trí cao với sự cần thiết đầu tư và thống nhất khẳng định đây là một chương trình quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việc thực hiện chương trình sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ phát triển bền vững đất nước, xây dựng văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng hồ sơ còn thiếu những nội dung quan trọng như đánh giá về tính khả thi của chương trình; báo cáo đánh giá tác động về giới; báo cáo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này.

Bên cạnh đó, báo cáo chưa xây dựng dự án theo nhóm nội dung thành phần về mục tiêu, nội dung, đối tượng, cơ quan thực hiện vốn, nguồn vốn, cơ quan chịu trách nhiệm và sản phẩm đầu ra. Cơ quan soạn thảo cần bổ sung và tiếp tục đánh giá sâu sắc hơn về tính khả thi của chương trình.

Đặc biệt, các ĐB bày tỏ chưa hài lòng về việc hồ sơ chương trình đã gửi chậm 27 ngày so với quy định tại Luật Đầu tư công, trong khi đây là một chương trình có mục tiêu rất lớn, nội dung khó, đã ảnh hưởng nhất định đến việc nghiên cứu tài liệu của ĐB.

Một số ý kiến đề nghị chương trình cần được thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, xây dựng thành các dự án thành phần, trong đó quy định cụ thể mục tiêu, đối tượng, nội dung, cơ quan thực hiện, vốn và nguồn vốn, cơ quan chịu trách nhiệm, sản phẩm đầu ra của dự án. Một số nhiệm vụ, giải pháp khó có thể thiết kế thành dự án thành phần, đề nghị nghiên cứu, đề xuất báo cáo Quốc hội cho phép thiết kế theo nhóm nội dung thành phần.

Ví dụ đối với các dự án quy mô lớn sử dụng 100% nguồn vốn của chương trình có thể lập thành danh mục dự án chi tiết. Đối với nội dung có tính chất hỗ trợ có mục tiêu, việc huy động, lồng ghép và sử dụng các nguồn lực khác nhau theo từng địa bàn, theo từng địa phương, không nên quy định phải thành lập thành dự án.

Do không có danh mục dự án theo quy định của Luật Đầu tư công nên để thuận lợi cho quá trình triển khai, có ý kiến đề nghị xem xét đưa nội dung này ra khỏi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công, đồng thời không nên gọi là chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa mà là chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa. Quốc hội quyết định các mục tiêu cơ bản và giao Chính phủ cụ thể hóa từng giai đoạn.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/can-thuc-hien-theo-dung-quy-dinh-cua-luat-dau-tu-cong-post745247.html