Cần thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn trong khối trường học, mới đây, Liên đoàn Lao động quận Long Biên tổ chức tọa đàm với các Chủ tịch Công đoàn cơ sở. Tại tọa đàm, cán bộ công đoàn cơ sở đã chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả tại cơ sở, trong đó nhấn mạnh: Công đoàn cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với chuyên môn đồng cấp và phát huy dân chủ tại cơ sở, qua đó tạo sự đồng thuận, cùng xây dựng đơn vị phát triển vững mạnh.
Phối hợp chặt chẽ với chuyên môn đồng cấp
Chị Nguyễn Thị Minh Thu - Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Thạch Bàn cho rằng: Công đoàn cơ sở có vững mạnh thì tổ chức Công đoàn mới vững mạnh và phát triển. Nếu giữa Công đoàn và Ban Giám hiệu nhà trường không tạo ra sự đoàn kết, thống nhất, đồng bộ và nhất quán thì sẽ gặp khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thực hiện và phát động các phong trào thi đua trong nhà trường.
Do đó, theo chị Minh Thu, muốn xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh, rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chi bộ, sự phối hợp với chuyên môn đồng cấp trong việc triển khai tổ chức các hoạt động.
Vì thế, ngay từ đầu năm học, Ban Chấp hành Công đoàn Trường THCS Thạch Bàn đã cùng với chuyên môn vận động cán bộ, đoàn viên tích cực tham gia đăng ký thi đua dạy tốt. Qua Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, đã có 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và 4 tổ Công đoàn đăng ký phấn đấu các danh hiệu thi đua, ký giao ước thi đua giữa Ban Giám hiệu với Ban Chấp hành Công đoàn và các tổ Công đoàn phát động các đợt thi đua chào mừng các ngày lễ lớn, vận động đoàn viên công đoàn tham gia thi Giáo viên dạy giỏi các cấp, thi làm và sử dụng đồ dùng dạy học…
Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Thị Minh Thu cho biết, trong việc phát động, triển khai các phong trào thi đua, Ban Chấp hành còn phối hợp chặt chẽ với Tổ trưởng chuyên môn trong việc lập kế hoạch để phát động phong trào thi đua với các nội dung cụ thể, trọng tâm, định hướng từng nội dung cụ thể cho từng đợt thi đua, cách thức tiến hành của các bộ phận từ Ban Chấp hành Công đoàn đến tổ Công đoàn và đoàn viên.
Bên Cạnh đó, Ban Chấp hành Công đoàn trường luôn phối hợp chặt chẽ với chuyên môn trong công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá khen thưởng, kỷ luật. Qua mỗi đợt thi đua đều có sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, khen thưởng, động viên những người làm tốt, góp ý với những người làm chưa tốt để rút kinh nghiệm cho lần sau.
Đồng thuận với quan điểm và cách làm trên, chị Nguyễn Thị Nhài - Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Long Biên cho rằng: Sự phối hợp tốt giữa chuyên môn và Công đoàn sẽ thúc đẩy các phong trào thi đua phát triển, hiệu quả. Theo chị Nhài, để phát huy vai trò của Công đoàn, làm tốt quy chế phối hợp giữa Công đoàn và Ban Giám hiệu nhà trường, điều đầu tiên cần xác định rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân.
Cụ thể, Ban Chấp hành Công đoàn cần phải phân công trách nhiệm rõ ràng, coi trọng dân chủ, tôn trọng tiếp thu ý kiến đoàn viên; có bản lĩnh, đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho đoàn viên. Bên cạnh đó, phải xác định đúng vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của Công đoàn trong mỗi vấn đề tham gia; phải có định hướng cụ thể rõ ràng trong từng công việc, để tránh bỏ sót công việc hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Long Biên cũng nhấn mạnh: Công đoàn cần phối hợp chặt chẽ với chuyên môn trong công tác kiểm tra, giám sát bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên. Cần quan tâm đến hoàn cảnh, thu nhập thực tế của đoàn viên, đảm bảo thực hiện đầy đủ chính sách, lương, thưởng của đoàn viên. Công đoàn tham mưu sắp xếp bố trí lao động hợp lý, phân công nhiệm vụ phù hợp, tạo điều kiện cho cán bộ, đoàn viên trong công việc.
“Trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Công đoàn, nếu có sự chỉ đạo đúng đắn, có sự phối hợp chặt chẽ với Ban Giám hiệu nhà trường, nếu biết phát huy vai trò quan trọng của Công đoàn trong việc phát động, triển khai các phong trào thi đua thì nội bộ sẽ luôn đoàn kết, nhất trí và cộng đồng trách nhiệm, chất lượng giáo dục của nhà trường sẽ luôn ổn định và được nâng cao”, chị Nguyễn Thị Nhài khẳng định.
Triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở
Từ kinh nghiệm thực tế tại cơ sở những năm qua, chị Nguyễn Thị Kiều Linh - Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Gia Thụy nhấn mạnh đến bài học kinh nghiệm cần xây dựng và triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở. Theo chị Linh, đây là việc cần làm thường xuyên, liên tục nhằm góp phần đưa quy chế dân chủ của đơn vị đi vào thực tế cuộc sống.
Liên đoàn Lao động quận Long Biên cho biết: Hiện, Liên đoàn Lao động quận quản lý 113 công đoàn cơ sở khối trường, trong đó: Trường học công lập: 80 công đoàn cơ sở với 3.443 đoàn viên; cơ sở sự nghiệp ngoài công lập: 33 công đoàn cơ sở với 702 đoàn viên. Thời gian qua, công đoàn cơ sở khối trường đã xây dựng, triển khai các hoạt động thiết thực, cơ bản đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, được đoàn viên, người lao động tin tưởng, gắn bó, được cấp ủy, chính quyền đồng cấp ghi nhận, ủng hộ.
Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Gia Thụy cho biết: Ngay từ đầu năm học, Ban Chấp hành Công đoàn đã chủ động đề nghị với đồng chí Hiệu trưởng rà soát nội dung quy chế hiện có, đối chiếu với quy định trong Thông tư 09/2009/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nội dung 3 công khai, Nghị định 60/2013/NĐ-CP về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở nơi làm việc và các văn bản pháp luật khác có liên quan, đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung Quy chế dân chủ theo đúng quy định, phù hợp với điều kiện hoạt động đặc thù của trường Tiểu học.
Theo đó, trong công tác phối hợp ở trường, Công đoàn phối hợp với tổ chức Đoàn thanh niên, chính quyền trong các việc, như: Nâng cao chất lượng sinh hoạt của các đoàn thể, dân chủ bàn bạc các chủ trương, các biện pháp thực hiện các nhiệm vụ của nhà trường thông qua các buổi sinh hoạt công đoàn, chi đoàn.
Chỉ đạo Ban thanh tra nhân dân thực hiện đúng chức năng giám sát, kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ, có trách nhiệm lắng nghe ý kiến của quần chúng, phát hiện những vi phạm quy chế dân chủ trong nhà trường, những kiến nghị hoặc thắc mắc để đề nghị Hiệu trưởng giải quyết. Kiên quyết chống những hiện tượng bè phái, mất đoàn kết và những hoạt động khác vi phạm dân chủ, kỷ cương trong nhà trường. Trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao, cán bộ, giáo viên, nhân viên phải phục tùng sự chỉ đạo và hướng dẫn của cấp trên…
Quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Gia Thụy chia sẻ bài học kinh nghiệm: Lãnh đạo nhà trường luôn lắng nghe ý kiến góp ý của quần chúng và tập thể, luôn tôn trọng ý kiến tập thể, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy ý kiến đa số để quyết định những vấn đề quan trọng của nhà trường và kịp thời điều chỉnh những tồn tại, khuyết điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo đạt hiệu quả công việc cao hơn. Bên cạnh đó, tổ chức tốt các hội nghị dân chủ trong trường như: Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị đối thoại, hội nghị liên tịch… Kết thúc hội nghị, cần ban hành nghị quyết hoặc có tổng kết, kết luận hội nghị.
“Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, chúng tôi luôn hiểu rằng: Mục đích thực hiện dân chủ trong nhà trường chính là việc thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất những điều trong Luật Giáo dục theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Thực hiện dân chủ trong nhà trường nhằm phát huy quyền làm chủ và huy động tiềm năng trí tuệ của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường theo luật định, góp phần xây dựng kỷ cương, nền nếp, trật tự trong mọi hoạt động của nhà trường, đặc biệt là góp phần quan trọng trong việc xây dựng khối đoàn kết nội bộ, qua đó xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh, nhà trường vững mạnh”, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Gia Thụy khẳng định./.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-thuc-hien-tot-quy-che-dan-chu-tai-co-so-115638.html