Cần thực hiện trách nhiệm công dân trong phòng-chống dịch bệnh

Mỗi chúng ta nên thấy rằng, với tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay mà bản thân không bị Covid-19 là đã vô cùng hạnh phúc và may mắn. Cho nên đã thấy mình an toàn, may mắn thì càng phải nâng cao ý thức chấp hành, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của công dân.

Khác với hồi tháng 3, lần tái phát này, dịch Covid-19 nguy hiểm hơn, lan rộng và gây thiệt hại nặng nề hơn. Sau nhiều nỗ lực của hệ thống chính trị các cấp, ổ dịch ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã được khống chế. Tuy nhiên, chưa thể nói đã sớm loại dịch bệnh nguy hiểm ra khỏi cộng đồng. Mới đây, Hà Nội và một số tỉnh tiếp tục phát hiện ca nhiễm mới, có ca chưa xác định nguồn lây nhiễm từ đâu, có ca tiên lượng xấu. Sau khi phong tỏa toàn thành phố, Đà Nẵng tiếp tục áp dụng biện pháp cách ly một số khu vực có dịch, áp dụng chính sách quản lý thắt chặt, kể cả việc đi chợ.

Dịch Covid-19 không chỉ giáng một đòn nặng nề vào nỗ lực khôi phục phát triển kinh tế-xã hội mà còn thêm một lần cảnh báo mối nguy hiểm chết người đến tất cả người dân và chưa biết đến khi nào dịch bệnh mới được dập tắt. Đó là lý do ngành chức năng khuyến cáo chúng ta còn phải tiếp tục "sống chung với Covid-19".

Những ngày qua, các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành Y tế ngày đêm ra sức dập dịch, bất chấp nguy hiểm, rủi ro, xung phong đi vào tâm dịch thực hiện mệnh lệnh của lương tâm và trách nhiệm người thầy thuốc. Thật xúc động và khâm phục hình ảnh các thầy thuốc ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định… không nề hà nguy hiểm, sẵn sàng lên đường chi viện cho “tiền tuyến” chống dịch. Hình ảnh nhiều y-bác sĩ ăn vội, ngủ vội, lả người vì kiệt sức không ai là không xót xa, cảm phục.

Vì vậy, Chính phủ khuyến cáo người dân hợp tác, thậm chí chấp nhận sự bất tiện trong một số trường hợp để chung sức ngăn chặn dịch bệnh. Đó là việc làm cần thiết và yêu cầu vừa có tính bắt buộc đối với mỗi người dân trong việc chấp hành khuyến cáo của ngành chức năng, quy định của pháp luật trong phòng-chống dịch. Đợt dịch thứ nhất chúng ta đã thành công và chứng minh cho thế giới thấy biện pháp dập dịch của Việt Nam là đúng đắn.

Người dân đeo khẩu trang khi tham gia giao thông. Ảnh: Đức Thụy

Người dân đeo khẩu trang khi tham gia giao thông. Ảnh: Đức Thụy

Thế nhưng, thời gian qua, những hành vi vi phạm hoặc vô tình hay cố ý làm cho công tác ngăn chặn dịch bệnh thêm phức tạp, khó khăn, khiến dư luận không khỏi bức xúc. Đó là tình trạng đưa người ở nước có dịch nhập cảnh trái phép, chứa chấp người nước ngoài bất hợp pháp, không hợp tác kiểm tra sức khỏe, khai báo y tế, trốn cách ly, lợi dụng tình hình dịch bệnh để đánh bạc, đá gà, buôn bán ma túy hay có những hoạt động phi pháp khác.

Đây thật sự là những hành động không chỉ phản ánh nhận thức và trách nhiệm công dân kém mà còn là sự coi thường phép nước, đi ngược lại nỗ lực của toàn xã hội, rất đáng phê phán, lên án. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng có hành vi gây hoang mang dư luận, tung tin bịa đặt hay khởi tố một số trường hợp vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến công cuộc phòng-chống Covid-19 là cần thiết và cần tiếp tục có hình thức xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm để làm gương, giáo dục xã hội.

Mỗi chúng ta nên thấy rằng, với tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay mà bản thân không bị Covid-19 là đã vô cùng hạnh phúc và may mắn. Cho nên đã thấy mình an toàn, may mắn thì càng phải nâng cao ý thức chấp hành, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của công dân. Cũng chẳng có gì ghê gớm nếu là đối tượng cần phải khai báo y tế, thăm khám sức khỏe, cách ly, thực hiện đeo khẩu trang, giữ cự ly khoảng cách, hạn chế ra đường hay la cà, tụ tập đông người không cần thiết.

Nếu không giúp gì cho cộng đồng xã hội thì hãy “ở yên tại chỗ”, đừng làm gì ảnh hưởng đến nỗ lực ngăn chặn Covid-19 của cả nước!

THẤT SƠN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1625/202008/can-thuc-hien-trach-nhiem-cong-dan-trong-phong-chong-dich-benh-5696191/