Cần thuế xăng dầu linh hoạt và lãi suất hợp lý
1. Bất chấp giá xăng dầu bán lẻ trong nước giảm mạnh hai lần liên tiếp theo sự biến động của giá dầu thô thế giới, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7-2022 vẫn tăng 0,4% so với tháng trước. Các nhóm hàng dịch vụ ăn uống, thực phẩm, lương thực, du lịch… đều bứt phá.Năm sau lạm phát của Việt Nam có thể khó giữ ở mức 4%. Chuẩn bị ngay từ bây giờ sẽ không còn quá sớm.
Không khó để nhận ra giá xăng lên đỉnh gần 33.000 đồng/lít trước khi điều chỉnh đã ngấm vào giá thành sản xuất, dịch vụ, thương mại và giờ đây khi giá cả đã thiết lập một mặt bằng mới, thật khó để kéo nó về mức hồi đầu năm.
Tầm quan trọng của giá xăng dầu là điều không cần tranh luận. Chỉ chiếm 4% trong cơ cấu rổ hàng hóa tính CPI, nhưng xăng dầu tác động trực tiếp đến các thành phần khác của CPI. Sau khi giảm thuế môi trường, Chính phủ tiếp tục yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu trình phương án điều chỉnh các loại thuế xăng dầu khác một cách hợp lý. Cho đến nay Bộ Tài chính chưa công bố phương án chính thức nào vì vấn đề lớn, như bộ giải thích, là giảm thuế xăng dầu sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến thu ngân sách.
Sự lần lữa của Bộ Tài chính, có lẽ, do gần đây giá dầu thô quốc tế chỉ xoay quanh 95-100 đô la Mỹ/thùng thay vì 110-115 đô la Mỹ/thùng như trước đó. Tuy nhiên, không ai dự đoán chính xác giá dầu thế giới lên xuống ra sao, trong khi việc ổn định giá xăng dầu nội địa để kiềm chế lạm phát là một trong những mục tiêu căn bản của kinh tế vĩ mô. Hơn nữa, nếu Bộ Tài chính cứ trình các phương án điều chỉnh nhỏ giọt, thì mỗi lần điều chỉnh lại phải xin ý kiến Quốc hội, mất thời gian và hệ lụy là sự điều chỉnh mất tính kịp thời.
Xuất phát từ đây Bộ Tài chính nên xây dựng phương án để Chính phủ trình Quốc hội cho phép một cơ chế điều hành các loại thuế xăng dầu linh hoạt, trên nguyên tắc một cái khung có biên độ dao động cộng trừ bao nhiêu phần trăm để đối phó kịp thời với biến động của giá dầu thô bên ngoài. Khung này có thể giúp tính toán một cách sơ bộ ảnh hưởng của giá xăng dầu lên chỉ số CPI các tháng tới, tạo cho Chính phủ sự chủ động trong kiềm chế lạm phát không những năm nay, mà cả các năm sau.
Năm nay lạm phát của Việt Nam còn khá “dễ chịu” so với thế giới do lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu chúng ta đều sản xuất được, tự chủ được. Không những thế, Việt Nam còn đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy hải sản, may mặc, da giày…
Toàn những thứ mà sau Covid-19 các nước khác, nhất là các quốc gia phát triển, tiêu thụ mạnh. Tới đây khi cuộc sống trở lại bình thường hoàn toàn trên phạm vi toàn cầu, những lợi thế xuất khẩu mà Việt Nam có sẽ chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ các nước trong khu vực, đặc biệt từ Trung Quốc, một khi Mỹ có khả năng chấp nhận bãi bỏ hạn mức thuế quan đánh vào hàng hóa Trung Quốc.
Năm sau lạm phát của Việt Nam có thể khó giữ ở mức 4%. Chuẩn bị ngay từ bây giờ sẽ không còn quá sớm.
2. Quí 1-2022 lãi suất qua đêm tiền đồng liên ngân hàng còn ở mức thấp kỷ lục, tiệm cận 0,1%/năm. Sang nửa đầu quí 2, lãi suất qua đêm liên ngân hàng vẫn êm đềm 0,4-0,5%/năm. Nhưng từ tháng 5, nó bắt đầu “nổi sóng”.
Sóng gió lãi suất chỉ thực sự “quét qua” sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán ra khoảng 12 tỉ đô la Mỹ trong sáu tháng đầu năm và thêm 1,5-2 tỉ đô la nữa trong tháng 7-2022, theo bản tin gửi khách hàng của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, để giữ cho tiền đồng không mất giá quá 2,5-2,7% so với đô la Mỹ từng thời điểm.
Ngoài việc bán giao ngay (spot), NHNN đã “đẩy” một khối lượng không nhỏ các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn (forward) thực hiện trong tháng 5, tháng 6-2022 của các ngân hàng thương mại thêm một kỳ nữa. Khi tỷ giá đã ở mức chấp nhận được, đủ để tránh một cú sốc nhập khẩu lạm phát, để củng cố vị thế tiền đồng hơn nữa, NHNN đã sử dụng công cụ lãi suất.
Ở thời điểm này và hết năm nay, theo ý kiến các chuyên gia kinh tế mà người viết tham khảo, tỷ giá chưa chịu nhiều áp lực. Lý do là dự trữ ngoại hối còn tương đối dày, cán cân thương mại vẫn xuất siêu, đầu tư nước ngoài vẫn được giải ngân, kiều hối chuyển về nước đều đặn. Về tổng thế các cán cân vẫn “hồng hào”.
Song độ bền vững của tỷ giá lại không nằm riêng ở đấy. Sự bền vững hiện tại mang tính nhất thời, còn bền vững thật sự phải từ nội tại: điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá. Một khi tỷ giá và lãi suất cân bằng, nhu cầu đầu cơ bị triệt tiêu. Câu hỏi đặt ra: Mức lãi suất nào tạo ra điểm cân bằng cho tỷ giá?
NHNN ở vào thế khó khi Chính phủ yêu cầu giảm thêm lãi suất cho vay. Cơ quan quản lý không thể kêu gọi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất tín dụng vì bản thân các ngân hàng cũng phải tự lo và theo quy định cái gì có lợi trong kinh doanh họ làm. Chính vì thế, NHNN đã chọn con đường nâng lãi suất liên ngân hàng bởi cách này không tác động nhiều đến lãi suất tiết kiệm, nới thêm thời gian trước khi lãi suất ở các “mặt trận” khác chuyển động theo.
Bây giờ thời gian cơi nới dường như đã hết. Lãi suất qua đêm liên ngân hàng sau khi “nhảy” qua mốc 5%/năm đã lùi lại chút đỉnh, kết thúc tuần trước ở 4,8%/năm.
Lãi suất liên ngân hàng, dù thế nào, cũng không thể thay thế lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất cơ bản của NHNN. Lãi suất của NHNN phải là tín hiệu như pháo lệnh cho thị trường. Nếu NHNN tăng lãi suất là lãi suất thị trường tăng theo và ngược lại, như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và ngân hàng trung ương các nước đang tiến hành.
Nói đi cũng phải nói lại. Nỗ lực cách nào chăng nữa, chúng ta cũng không thể tiếp tục giảm lãi suất trong điều kiện hiện nay. Bối cảnh thị trường tài chính thế giới đang thay đổi, khắp nơi thắt chặt tiền tệ chống lạm phát. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam không còn như xưa, lạm phát thế giới đang và sẽ còn ảnh hưởng đến lạm phát trong nước.
Trong trường hợp được “giải phóng” khỏi đòi hỏi giảm thêm lãi suất, NHNN mới có thể “rảnh tay” và tự chủ trong điều hành chính sách tiền tệ công khai, minh bạch mà không còn phải đi đường vòng như vừa qua.
Hải Lý
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/can-thue-xang-dau-linh-hoat-va-lai-suat-hop-ly/