Cần tiếp tục đổi mới cải cách tư pháp, không dĩ hòa vi quý
Sáng 30/3, Quốc hội thảo luận Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Dù đạt nhiều kết quả, nhưng các đại biểu đề nghị, cần tiếp tục đổi mới cải cách tư pháp, không dĩ hòa vi quý, tránh xuôi chiều mất tính độc lập của tranh tụng.
Xét xử nhiều vụ án đã đi vào lịch sử
Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), các cơ quan tư pháp đã có nhiều đổi mới, cải cách trên nhiều phương diện, đạt nhiều mục tiêu đề ra cũng như chỉ tiêu Quốc hội (QH) giao; đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp mà Bộ Chính trị đã đề ra. Nhiệm kỳ XIV, chính sách pháp luật được quan tâm xây dựng hoàn thiện và đồng bộ hơn, tạo ra cơ sở pháp lý và những chuyến biến tích của các cơ quan tư pháp; cơ sở vật chất được hoàn thiện, không còn tình trạng các cơ quan tư pháp phải đi thuê, đi mượn trụ sở như trước đây…
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Tạo cho rằng, cử tri và nhân dân vẫn còn băn khoăn. Đó là trong số vụ án hình sự được xét xử nghiêm minh, không có án oan, nhưng vẫn còn dư âm một số vụ án, trong việc áp dụng các nguyên tắc điều tra, truy tố xét xử, các cơ quan tư pháp cần đánh giá đầy đủ hơn. Đối với ngành Tòa án, chất lượng xét xử được cử tri rất quan tâm. Các vụ án dân sự quá trình giải quyết vẫn còn chậm, kéo dài.
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, nhiệm kỳ này, tổng số vụ án tăng mạnh, tăng 34%, trong đó nhiều vụ án đã đi vào lịch sử nước ta bởi quy mô lớn và tính chất nghiêm trọng. Có nhiều vụ án số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng được các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. Nhiều vụ án số bị cáo tham nhũng lên đến hàng trăm người như vụ án Ngân hàng Đại dương với 51 bị cáo, hay vụ án về đường dây đánh bạc nghìn tỷ lên đến 92 bị cáo.
Hay có những vụ án số người tham gia được triệu tập hàng trăm người, như vụ án tại Công ty Liên kết Việt, vừa qua Hà Nội triệu tập 6.000 bị hại; và còn rất nhiều vụ án khác nữa. Hầu hết các vụ án trong nhiệm kỳ đều đưa ra xét xử đúng thời hạn, đúng pháp luật.
Theo ĐB Nguyễn Thị Thủy, hoạt động của các cơ quan tư pháp đều đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Điển hình như quy định quyền được đọc hồ sơ vụ án để tự bào chữa trong trường hợp không có người bào chữa - một quy định chưa từng có trong lịch sử tố tụng nước ta. “Mặc dù khi xây dựng các quy định các ý kiến rất lo ngại, tuy nhiên vừa qua các cơ quan tố tụng đã triển khai chặt chẽ và hiện nay đã đi vào nền nếp và đảm bảo quyền được hiến định của người bị buộc tội” - ĐB cho hay.
ĐB Nguyễn Thị Thủy quan tâm đến việc tranh tụng tại tòa án. ĐB cho rằng, tranh tụng tại tòa thực hiện ngày càng rõ nét, mạnh mẽ hơn hơn. Tranh tụng chính là biện pháp để đảm bảo công bằng, công minh và thực hiện theo luật.
Ấn tượng với tinh thần cải cách tư pháp
ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho biết, ông ấn tượng đối với công tác cải cách tư pháp. Các phiên tòa đều thực hiện theo tinh thần cải cách tư pháp, có vụ án thu hồi toàn bộ tài sản như vụ án AVG. Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Văn Chiến, người dân cho rằng, vẫn còn cần đổi mới công tác cải cách tư pháp, khắc phục tình trạng độc lập của vụ án, không dĩ hòa vi quý, tránh tình trạng xuôi chiều mất tính độc lập của tranh tụng. Đồng thời, cần đổi mới hoạt động tranh tụng tại tòa, làm khâu đột phá, mang lại công lý, niềm tin cho nhân dân; thực hiện theo phương pháp suy đoán vô tội.
Theo ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum), tại kỳ họp thứ 10 của QH, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) đã khẳng định, trong xét xử các vụ án hình sự, đảm bảo đúng người đúng tội, chưa phát hiện người kết án oan, tuy nhiên tại báo cáo này lại nêu “không để xảy ra kết án oan”, là khác biệt về chất.
“Về bồi thường, yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của tòa án, có 15 trường hợp, chúng tôi hiểu đó là do lịch sử để lại. Tòa án nhân dân (TAND) đã giải quyết 36.042 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, thể hiện đã kiểm soát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo thực hiện các luật, pháp lệnh của QH; đã và đang thể hiện vai trò thực thi bảo vệ công lý” - ĐB Tô Văn Tám nói.
Tuy nhiên, theo ĐB, dù chất lượng xét xử được đảm bảo và có nhiều tiến bộ, nhưng tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu của QH (không quá 1,5%), có nghĩa vẫn còn sai sót xảy ra. Về vấn đề này, báo cáo của Chánh án TANDTC nêu rõ, nhiệm kỳ qua, TAND các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự. Tỷ lệ giải quyết án đạt 99,5%, vượt 11,5% so với chỉ tiêu của QH. Bên cạnh đó, đã căn bản khắc phục được việc để án quá thời hạn, hầu hết các vụ án đưa ra xét xử đều trong thời hạn luật định; riêng án kinh tế, tham nhũng, không có vụ án nào để quá thời hạn.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, mỗi tòa án hoàn toàn độc lập với nhau, không có khái niệm tòa án cấp trên và tòa án cấp dưới. Vấn đề chỉ tiêu kế hoạch xét xử, tháng 9 hàng năm thường có báo cáo về kế hoạch làm việc, kế hoạch này thì cần thiết, nhưng kế hoạch xét xử thì phải xem xét lại. Theo ĐB, “công lý không bao giờ có giá rẻ”.
Về xác định tỷ lệ oan sai, theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng: “Chính tỷ lệ này đã ảnh hưởng tới tâm lý, nếu không khắc phục sẽ rất nguy hiểm. Vậy có hay không có tỷ lệ về công lý? Công lý là công lý, là thiêng liêng”.
ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) bấm nút tranh luận với ý kiến của ĐB Lưu Bình Nhưỡng. Ông cho rằng, công lý là không có giá, do đó, cách tiếp cận như vậy là chưa hợp lý. Trên thực tế không chỉ ở Việt Nam mới có án oan sai. Thực tế khi ra nghị quyết, chúng ta đã làm và làm rất tốt điều này.
Thẩm tra về các báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao và Chánh án TANDTC, Ủy ban Tư pháp của QH nhận định, hiện vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố có liên quan đến trách nhiệm của VKSND. Số vụ tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mà viện kiểm sát chấp nhận còn khá lớn trong đó có nhiều trường hợp tòa án trả hồ sơ cho viện kiểm sát yêu cầu khởi tố tội phạm mới, người phạm tội mới, phản ánh chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong các vụ án này còn chưa đáp ứng yêu cầu./.