Cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả chính sách xã hội

Sáng ngày 7/4, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học: 'Huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội ở Việt Nam'.

Dự và chủ trì Hội thảo có GS.TS. Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Trưởng Tiểu ban Kinh tế Hội đồng Lý luận Trung ương.

Đây là hội thảo có ý nghĩa cấp thiết về cả lý luận và thực tiễn, góp phần thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; kiến nghị, đề xuất quan điểm và giải pháp góp phần bảo đảm nguồn lực tài chính cho tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, an ninh con người.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn phát biểu khai mạc hội thảo. (ảnh TL)

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn phát biểu khai mạc hội thảo. (ảnh TL)

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Đoàn Xuân Thủy, Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: Trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm chú trọng chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế nước nhà để mọi người dân có cơ hội phát triển, hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã nỗ lực thực hiện các chính sách xã hội. Trên cơ sở các quan điểm chủ trương của Đảng, đặc biệt những định hướng chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 trong Nghị quyết số 15-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách xã hội nhằm giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc và nổi bật nhất; thực hiện việc phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách và suốt quá trình phát triển. Nhà nước ta đã cố gắng thường xuyên quan tâm và tăng cường phân bổ nguồn vốn ngân sách cho thực hiện chính sách xã hội, đồng thời chú trọng huy động từ các nguồn lực khác từ cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm và mọi tầng lớp nhân dân trong nước và các nguồn lực ngoài nước.

Kết quả huy động nguồn lực tài chính đã góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện các chính sách an sinh xã hội tốt hơn trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Về thực hiện chính sách việc làm, thu nhập: trong giai đoạn 2012-2019 bình quân hàng năm giải quyết việc làm trong nước với thu nhập ổn định cho khoảng 1,5-1,6 triệu lao động. Trong giai đoạn 2012-2021 hỗ trợ tạo việc làm cho 1.485.155 lao động. Về thực hiện chính sách giảm nghèo: tỷ lệ giảm nghèo bình quân khoảng 2%/năm; thu nhập bình quân hộ nghèo không ngừng tăng lên. Về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, trong giai đoạn 2012-2020 ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết cho trên 1,3 triệu người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trên 76 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản. Về thực hiện chính sách trợ giúp xã hội: đã không ngừng mở rộng mức bao phủ về đối tượng và mức độ thụ hưởng.

PGS.TS. Đoàn Xuân Thủy, Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn tại hội thảo (ảnh DP).

PGS.TS. Đoàn Xuân Thủy, Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn tại hội thảo (ảnh DP).

PGS.TS. Đoàn Xuân Thủy, Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: Bên cạnh những thành tựu kể trên, cho đến nay, việc huy động các nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Trong điều kiện Việt Nam đang trong trình độ của nước thu nhập trung bình, tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội và ưu đãi người có công với cách mạng bằng khoảng 3% GDP; tỷ lệ đầu tư hàng năm cho an sinh xã hội mới đạt mức khoảng 4% GDP, trong khi trên thế giới, mức đầu tư hàng năm cho an sinh xã hội tại các nước thu nhập cao đạt khoảng 16,4%; các nước có thu nhập trung bình cao - 8% GDP. Những hạn chế trong huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội đang cản trở việc nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách xã hội trong phát triển bền vững đất nước.

Bối cảnh mới của thế giới, khu vực dự báo vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường không những do tác động của đại dịch, mà còn do những yếu tố bất ổn mới từ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột địa chính trị, diễn biến mới của biến đổi khí hậu, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… đang tạo ra những cơ hội, đồng thời đặt ra thách thức rất lớn đối với từng quốc gia trong phát triển kinh tế và huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhấn mạnh, hội thảo cần làm rõ, đối với việc đánh giá kết quả huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các chính sách xã hội, nội dung đã thực hiện tốt, chưa tốt hoặc chưa có điều kiện giải quyết; tìm hiểu nguyên nhân.

Bên cạnh đó, cùng với đánh giá kết quả trong thực tiễn, cần phân tích làm rõ sự phát triển trong nhận thức lý luận huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các chính sách xã hội. PGS.TS. Phùng Hữu Phú cũng cho rằng cần làm rõ cơ hội, thách thức đặt ra đối với Việt Nam trong huy động nguồn lực tài chính giai đoạn tới.

Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phát biểu tại hội thảo. (ảnh DP).

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đi sâu phân tích một số nội dung xoay quanh chủ đề Hội thảo như: Những vấn đề lý luận cơ bản về bản chất, đặc điểm, phương thức, hình thức và vai trò của huy động nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách xã hội trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực trạng đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về huy động nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam và những vấn đề đặt ra; thực trạng huy động nguồn lực tài chính ngoài ngân sách Nhà nước để thực hiện chính sách xã hội ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra…

Các đại biểu thống nhất cho rằng, nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách xã hội là các nguồn lực bằng tiền hoặc bằng tài sản nhưng có thể chuyển thành tiền; được huy động, phân bổ, sử dụng cho mục tiêu thực hiện chính sách xã hội. Việc huy động nguồn lực tài chính có rất nhiều chủ thể tham gia, trong đó có Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân. Việc huy động được thực hiện theo phương châm Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm; Trung ương, địa phương và cơ sở cùng làm. Điều này sẽ huy động được toàn bộ hệ thống chính trị, đoàn thể và người dân cùng tham gia.

Đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo (ảnh DP).

Đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo (ảnh DP).

Bên những ý kiến đóng góp trên, để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả chính sách xã hội, khắc phục những hạn chế tồn tại trong huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội là vô cùng quan trọng, cấp thiết. Các đại biểu, các nhà khoa học đã tham gia góp các ý kiến, tập trung vào một số vấn đề cụ thể, đó là: Đánh giá kết quả huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các chính sách xã hội, nôi dung nào đã quan tâm thực hiện tốt, nôi dung nào quan tâm chưa tới, hay chưa có điều kiện giải quyết. Nguyên nhân của vấn đề là ở đâu?

Cùng với đánh giá kết quả trong thực tiễn, cần phân tích làm rõ sự phát triển trong nhận thức lý luận huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các chính sách xã hội. Trước đây huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các chính sách xã hội hướng chủ yếu vào khu vực công, trong quá trình đổi mới, dần dần việc huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các chính sách xã hội ngày càng được xã hội hóa từ các nguồn đa dạng. Việc khái quát làm rõ bước chuyển trong nhận thức lý luận về huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các chính sách xã hội là rất cần thiết, từ đây chúng ta khẳng định vai trò dẫn đường của nhận thức lý luận, vai trò của Đảng trong thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện thực thi chính sách xã hội

Nghiên cứu kinh nghiệm thế giới về huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các chính sách xã hội, chỉ rõ những cái chung, cái phổ quát trong huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các chính sách xã hội ở các quốc gia mà Việt Nam có thể tham khảo, vận dụng, đồng thời chỉ ra những đặc thù trong huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các chính sách xã hội phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

TS. Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phát biểu tại hội thảo. (ảnh DP).

TS. Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phát biểu tại hội thảo. (ảnh DP).

Trong bối cảnh mới của thế giới và trong nước, đang tạo ra những cơ hội, đồng thời đặt ra thách thức rất lớn đối với từng quốc gia trong phát triển kinh tế và huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội. Do vậy tại hội thảo này mong muốn các đồng chí phân tích làm rõ thêm cơ hội, thách thức đặt ra đặc biệt đối với Việt Nam trong huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội giai đoạn tới.

Hội thảo phân tích, làm rõ thêm cơ hội, thách thức đặt ra đặc biệt đối với Việt Nam trong huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội trong giai đoạn tới; làm rõ những giải pháp, nhất là những giải pháp có tính đột phá nhằm tăng cường hiệu quả huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội đến 2030 và tầm nhìn 2045./.

Duy Phong

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/can-tiep-tuc-hoan-thien-va-nang-cao-hieu-qua-chinh-sach-xa-hoi-144075