Cần tiếp tục tăng cường đầu tư, nâng cao vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu của y tế cơ sở
Y tế cơ sở phải đóng vai trò trong việc chăm sóc sức khỏe người dân liên tục, toàn diện – đây là mục tiêu của ngành y tế đến năm 2030.
Thông tin tại Hội thảo về định hướng phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới, diễn ra ngày 27/3 do Bộ Y tế và Ngân hàng Thế giới tổ chức, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách nhằm không ngừng củng cố, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở.
Trong đó, ngày 22/01/2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX ban hành Chỉ thị số 06- CT/TW về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Đây là văn bản chỉ đạo quan trọng của Đảng với nội dung riêng về y tế cơ sở, yêu cầu các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể quán triệt, nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của mạng lưới y tế cơ sở, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.
Y tế cơ sở đóng góp quan trọng vào chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân
Sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, công tác y tế cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng. Mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp cả nước, từng bước được củng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được tăng cường, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi, phòng chống và quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khỏe người dân bước đầu được triển khai tại tuyến xã; chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở từng bước được nâng cao góp phần quan trọng trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe của nhân dân.
Làm rõ thêm vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng- Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế cho biết, trong 20 năm qua, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đã tăng từ 71,3 lên 73,6; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống giảm từ 26 (năm 2002) xuống 12,1 (năm 2022); với trẻ từ 1-5 tuổi, giảm từ 35 xuống 18,9; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) giảm từ 30,1 (năm 2002) xuống 10,8 (năm 2022); tỷ suất tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống giảm từ 85 (năm 2002) xuống 46 (năm 2022);
Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vaccine tăng từ 89,7 (năm 2002) lên 95 vào năm 2022... Cùng đó, tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ trên toàn quốc đã tăng lên nhanh chóng, đến năm 2022 hiện đang là gần 88% trạm y tế có bác sĩ công tác.
Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng nhanh từ 16,5% năm 2002 lên 92,04% năm 2022, chi cho y tế cơ sở khoảng 32% tổng số chi khám chữa bệnh BHYT. Gói dịch vụ y tế cơ bản cho y tế cơ sở đã được ban hành năm 2017 với 76 dịch vụ, 241 thuốc và hiện đang được nghiên cứu tiếp tục mở rộng; Số lượt khám chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở đạt 75% của cả hệ thống y tế (huyện: 58%, xã 17%); Cùng đó số lượng dịch vụ ngày càng tăng khám chữa bệnh y học cổ truyền, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi… Bước đầu quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khỏe người dân tại y tế xã.
"Chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu của y tế cơ sở đạt 70/100 điểm, cao hơn mức trung bình Đông Nam Á (61 điểm), toàn cầu (67 điểm); Chất lượng dịch vụ từng bước được cải thiện. Theo báo cáo PAPI năm 2021 có 54,04% người trả lời hài lòng với dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện"- PGS.TS Phan Lê Thu Hằng cho biết thêm.
Đánh giá về vai trò của y tế cơ sở trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân Việt Nam, ông Christophe Lemiere - Giám đốc Ban phát triển con người của Ngân hàng thế giới cho biết: Đã có những tiến bộ trong phát triển hệ thống y tế cơ sở ở Việt Nam thể hiện thông qua chỉ số bao phủ y tế toàn dân. Chỉ số bao phủ y tế toàn dân của Việt Nam, hiện có mức xếp hạng cao trên thế giới.
"Gần như hàng tháng các đồng nghiệp về lĩnh vực này trên thế giới đều hỏi tôi kinh nghiệm về lĩnh vực này của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể tăng cường hệ thống y tế Việt Nam hơn nữa để giảm chi tiền túi của người dân cho y tế xuống 30%. Để có thể đạt được mục tiêu này cần thêm đầu tư cho y tế cơ sở và có thêm các chính sách mới, bao gồm việc đảm bảo nguồn kinh phí cho y tế cơ sở. Ngân hàng sẵn lòng đồng hành với Việt Nam và tham gia hỗ trợ trong mức tối đa có thể"- ông Christophe Lemiere nói.
Cần tiếp tục tăng cường đầu tư, nâng cao vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu của y tế cơ sở
Tại hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW và Kết luận số 126-TB/TW vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, đó là: Cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở mới chỉ tập trung nhiều tới điều trị cho người bị bệnh, chưa chú trọng đúng mức đến phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, phát hiện bệnh sớm và quản lý bệnh.
Tổ chức hệ thống y tế cơ sở thời gian qua chưa ổn định. Năng lực cung ứng dịch vụ còn hạn chế, hiệu quả hoạt động còn thấp. Cơ chế tài chính cho y tế cơ sở chưa phù hợp. Thuốc và trang thiết bị y tế cho y tế cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh...
So với thời điểm Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW, cùng với sự thay đổi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng cao và đa dạng, hệ thống y tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức như già hóa dân số nhanh, thay đổi mô hình bệnh tật với sự gia tăng bệnh không lẫy nhiễm và diễn biến khó lường của một số dịch bệnh mới, biến đổi khí hậu, công nghiệp hóa, đô thị hóa.
Trước tình hình đó, Ban Bí thư đã giao Ban cán sự đảng Bộ Y tế chủ trì chuẩn bị đề án xây dựng "Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới", trình Ban Bí thư trong tháng 5/2023.
Thời gian qua, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế đã xây dựng đề cương, tổng hợp báo cáo và tiếp thu ý kiến của bộ, ngành, địa phương và một số đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Y tế, chuyên gia nhiều kinh nghiệm về y tế cơ sở để hoàn thiện dự thảo hồ sơ đề án lần thứ 3.
Các ý kiến tại hội thảo sẽ được Bộ Y tế tiếp thu để xây dựng đề án "Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới", trình Ban Bí thư trong tháng 5/ 2023.