Cần tính toán lại việc nuôi cá trên sông Cái Vừng
Tuy không gây thiệt hại nghiêm trọng như năm 2016 nhưng hiện tượng cá chết trên sông Cái Vừng (Phú Tân) dịp Tết vừa qua thêm lần nữa cảnh báo về nguy cơ ở khu vực này. Bên cạnh theo dõi chặt chẽ chất lượng nguồn nước, cần quy hoạch những khu vực có môi trường nước thuận lợi hơn để phát triển nghề nuôi cá.
Khu vực sông Cái Vừng đã 2 lần xuất hiện tình trạng cá nuôi bè bị chết
Thêm nỗi lo cho người nuôi cá
Cái Vừng là con sông giáp ranh tự nhiên giữa 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Nơi đây có hàng trăm hộ dân của huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) và Phú Tân (An Giang) sống bằng nghề nuôi bè cá he, mè vinh, điêu hồng, lăng nha… Còn nhớ thời điểm giáp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 (từ ngày 3 đến 9-2-2016), hiện tượng cá đồng loạt chết nổi trắng sông đã khiến nông dân bàng hoàng. Thống kê thời điểm đó cho thấy, tổng lượng cá nuôi bè trên sông Cái Vừng bị thiệt hại 1.119 tấn (An Giang 655 tấn, Đồng Tháp 464 tấn), thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Kết quả phân tích của ngành chức năng cho thấy, nguyên nhân cá chết do thiếu ô-xy cục bộ, DO (ô-xy hòa tan) đo được tại khu vực cá chết dao động 1,69 - 2,12, rất thấp so ngưỡng ô-xy cần thiết cho nuôi trồng thủy sản.
Thời điểm gần Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, khu vực sông Cái Vừng (đoạn thuộc huyện Phú Tân) lại xảy ra hiện tượng cá chết. Theo phản ánh của hộ nuôi, cá nổi đầu và chết xảy ra từ khoảng 4 giờ đến 6 giờ sáng, đỉnh điểm khi thời gian này kết hợp với nước đứng vào ngày 9 và 10-1-2020. Ông Trần Xuân Hòa (ấp Long Hòa 2, xã Long Hòa, Phú Tân) cho biết, bè cá của ông có khoảng 50kg cá chết, gồm cá he giống và cá mè vinh thịt. Các bè, vèo của các hộ nuôi còn lại cá có hiện tượng nổi lừng, bỏ ăn.
Ghi nhận của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phú Tân cho thấy, khu vực xảy ra sự cố thuộc địa bàn 2 xã Long Hòa và Phú Lâm. Khu vực này có 38 hộ nuôi với 153 bè, vèo (xã Long Hòa có 33 hộ nuôi với 124 bè, vèo; xã Phú Lâm 5 hộ nuôi với 29 bè, vèo), tập trung vào các loại: cá he, mè vinh, lăng nha, chép giòn, rô phi, điêu hồng. Trong đó có 7 hộ nuôi có hiện tượng cá nổi đầu (xã Long Hòa có 4 hộ với 17 bè, vèo; xã Phú Lâm có 5 hộ với 29 bè, vèo). Các ngành chuyên môn, chính quyền địa phương đã kịp thời hỗ trợ kỹ thuật và khuyến cáo các hộ nuôi nên đã hạn chế được thiệt hại, kiểm soát tốt tình hình cá nổi đầu và chết.
Kiến nghị di dời
Ngay khi vừa xảy ra sự cố cá chết, UBND huyện Phú Tân đã phối hợp Chi cục Thủy sản - Sở NN&PTNT, Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật thuật Tài nguyên Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tiến hành khảo sát nắm tình hình. Ngành chức năng đã thu 2 mẫu nước sông tại khu vực xảy ra hiện tượng cá chết của hộ nuôi ông Trần Xuân Hòa và phía hạ nguồn cách khoảng 600m (bến đò số 11). Chi cục Thủy sản đã thu 2 mẫu cá chết tại hộ ông Trần Xuân Hòa để xét nghiệm bệnh.
Kết quả đo đạc thông số hiện trường cho thấy, nồng độ ô-xy hòa tan tại khu vực cá nổi đầu và chết rất thấp, dao động từ khoảng 1,9 - 2,2 mg/l (thấp hơn mức tối thiểu cho phép khoảng 2,1 lần). Số liệu đo đạc của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang cũng ghi nhận tại 2 trạm Tân Châu và Vàm Nao (tuần 1-2020), mực nước thấp hơn các năm (thấp hơn cả cùng kỳ năm 2016 từ 0,12 - 0,14m), lưu tốc dòng chảy yếu. Theo thông báo kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng 7, cả 2 mẫu cá xét nghiệm đều âm tính với các vi khuẩn gây bệnh chủ yếu trên cá nuôi nước ngọt như: Edwardsiella ictaluri, Aeromonas spp, Pseusomonas spp, Streptococcus spp.
Từ các kết quả trên, Sở TN&MT, Sở NNN&PTNT thống nhất nhận định: Nguyên nhân cá chết do mực nước xuống thấp, kết hợp dòng chảy yếu tạo nên hiện tượng thiếu ô-xy cục bộ. Trong khi đó, lượng thức ăn dư thừa kết hợp với chất thải từ hoạt động nông nghiệp (trồng hoa) dẫn đến dư thừa chất dinh dưỡng, làm tảo phát triển nhanh gây giảm ô-xy hòa tan trong nước. Hai sở kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Phú Tân tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các phòng, ban có liên quan, UBND xã Long Hòa và Phú Lâm thường xuyên theo dõi tình hình để có giải pháp xử lý kịp thời nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi cũng như tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường. UBND huyện Phú Tân cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân di dời bè nuôi cá từ sông Cái Vừng vào các vùng quy hoạch (nhánh sông Tiền) trước mùa khô năm 2020.
Về phía Sở NN&PTNT, sẽ tổ chức rà soát lại các vùng nuôi cá trên sông đảm bảo phù hợp điều kiện và kỹ thuật nuôi, đặc biệt là mật độ nuôi. Đồng thời, tiếp tục theo dõi, hướng dẫn về mặt kỹ thuật để phòng ngừa hiện tượng vừa qua. Đối với Sở TN&MT, sẽ tiếp tục thực hiện quan trắc chất lượng nước tại khu vực Bắc Vàm Nao; phối hợp Đài Khí tượng Thủy văn An Giang thông báo đến địa phương kết quả quan trắc chất lượng nước mặt và dự báo thủy văn tuần để giúp các hộ nuôi chủ động xử lý.