Cần tổ chức lại các tuyến xe buýt ở Thái Nguyên

Là trung tâm các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ, trung tâm về y tế và giáo dục lớn thứ 3 cả nước, với gần 1,3 triệu dân, hàng trăm nghìn công nhân nên nhu cầu đi lại bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên rất lớn. Tuy nhiên, vận chuyển hành khách bằng xe buýt hiện nay trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, tính kết nối không cao, đi lại chưa thuận tiện.

Nhu cầu đi lại bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng tăng.

Nhu cầu đi lại bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng tăng.

NDĐT - Là trung tâm các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ, trung tâm về y tế và giáo dục lớn thứ 3 cả nước, với gần 1,3 triệu dân, hàng trăm nghìn công nhân nên nhu cầu đi lại bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên rất lớn. Tuy nhiên, vận chuyển hành khách bằng xe buýt hiện nay trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, tính kết nối không cao, đi lại chưa thuận tiện.

Đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của nhân dân, công nhân, học sinh, sinh viên, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, hiện nay đang có bảy doanh nghiệp vận chuyển hành khách bằng xe buýt. Tuy nhiên, việc đi lại bằng xe buýt của hành khách còn gặp nhiều khó khăn.

Điển hình là việc thiếu các tuyến xe buýt liên xã kết nối với trạm trung chuyển ở trung tâm huyện và từ trung tâm huyện về trung tâm tỉnh là TP Thái Nguyên và ngược lại. Mặt khác, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan Nguyễn Mạnh Hà, chia sẻ: “Trong khi một số địa bàn chưa có xe buýt hoạt động thì một số khu vực khác, tuyến đường có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia khai thác dẫn đến chồng chéo, vừa gây lãng phí nguồn lực, vừa cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến phóng nhanh, vượt ẩu, xảy ra tai nạn giao thông, khiến hành khách và người tham gia giao thông bức xúc”.

Điển hình là tuyến xe buýt số 28, từ bến xe trung tâm TP Thái Nguyên đi trên tuyến quốc lộ 3, đến xã Yên Ninh, huyện Phú Lương và thị trấn Chợ Mới (Bắc Kạn) trùng đến 80% chiều dài tuyến đường của tuyến số 06, từ trung tâm TP Thái Nguyên đi trên quốc lộ 3 vào huyện Định Hóa. Do chồng chéo phần lớn chiều dài tuyến đường dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, tranh giành khách, phóng nhanh, nên thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Chỉ tính trong hai năm gần đây, xe buýt tuyến số 28 gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông, trong đó nhiều vụ gây người chết, gây bức xúc dư luận.

Chỉ tính riêng từ trung tâm huyện Đại Từ về TP Thái Nguyên và ngược lại có đến ba tuyến xe buýt, bao gồm 02a, 02b và 03 đều do Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan khai thác. Do chồng chéo, hành khách đi lại trên tuyến không nhiều, nhưng một khi đã đăng ký thì phải bố trí xe chạy dẫn đến doanh nghiệp thua lỗ, lãng phí nguồn lực.

Trong khi đó, hiện nay nhiều tuyến đường liên xã kết nối với trung tâm huyện, liên huyện đến các khu công nghiệp, bệnh viện, trường các trường đại học mà nhu cầu đi lại cao ... chưa có tuyến xe buýt hoạt động, hoặc chưa có sự kết nối liên thông nên người dân đi lại bằng xe buýt chưa thuận lợi, dẫn đến xe cá nhân quá nhiều, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Đặc biệt vào đầu giờ buổi sáng và cuối giờ chiều hằng ngày, trên quốc lộ 37 từ huyện Phú Bình sang các KCN, trên tuyến đường từ ngã tư Điềm Thụy sang TP Sông Công và thị xã Phổ Yên, công nhân sử dụng xe máy đi lại rất đông, trong khi mặt đường nhỏ, xuống cấp nên thường xuyên xảy ra tai nạn. Nếu có xe buýt kết nối huyện Phú Bình với các KCN ở hai địa phương này một cách thuận tiện thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của công nhân, giảm thiểu sử dụng xe máy.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên Trần Văn Long cho biết: “Những năm trước đây, tỉnh có đề án phát triển mạng lưới vận chuyển khách bằng xe buýt, thời gian đầu rất phù hợp thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Khi kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển mạnh, nhu cầu đi lại của nhân dân, công nhân, học sinh, sinh viên tăng nên không còn phù hợp thực tiễn, chưa có tính kết nối cao, nhân dân đi lại chưa thuận tiện. Khắc phục vấn đề này, chúng tôi đang phối hợp các đơn vị chức năng tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu đi lại của để xây dựng phương án vận tải hàng khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên một cách hợp lý, hiệu quả, thuận lợi và giảm chi phí cho nhân dân”.

Phương án vận chuyển hành khách bằng xe buýt sau khi được dự thảo sẽ được lấy ý kiến của các cấp, ngành chức năng, doanh nghiệp vận tải và nhân dân trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhằm điều chỉnh mạng lưới xe buýt một cách hợp lý, có tính kết nối cao, hiệu quả, gia tăng mức bao phủ của xe buýt, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân.

Theo tính toán, khi xây dựng được mạng lưới vận chuyển hành khách bằng xe buýt thuận tiện, hợp lý, có tính kết nối cao sẽ giảm đến 30% chi phí cho người dân trên địa bàn sử dụng xe buýt liên tuyến, đáp ứng nhu cầu đi lại của xã hội. Qua đó, khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, tạo điều kiện cho việc hạn chế sử dụng phương tiện đi lại cá nhân. Do đó, nhân dân, công nhân, học sinh, sinh viên mong muốn tỉnh Thái Nguyên sớm xây dựng mạng lưới vận chuyển bằng xe buýt liên thông, thuận lợi và văn minh.

THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44965302-can-to-chuc-lai-cac-tuyen-xe-buyt-o-thai-nguyen.html