Cần tội phạm hóa các hành vi nguy hiểm cao cho xã hội trong tình hình mới

Cần quy định tiền kỹ thuật số là một loại tài sản, tập trung các loại hàng cấm trong danh mục hàng cấm, tội phạm hóa các hành vi gian lận thương mại điện tử...

BLHS năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 và đã phát huy được các hiệu quả tích cực trong đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm có hiệu lực áp dụng, BLHS năm 2015 đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc nhất định trong quy định về các tội phạm cụ thể.

Đặc biệt trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự đổi mới trong chính sách quản lý kinh tế, xã hội và yêu cầu hội nhập với pháp luật quốc tế đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải tội phạm hóa một số hành vi vi phạm pháp luật nguy hiểm cao cho xã hội.

Việc tội phạm hóa một số hành vi vi phạm pháp luật có tính nguy hiểm cao cần đảm bảo về cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn. Trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung trước hết ở các lĩnh vực sau:

Quy định tiền kỹ thuật số là một loại tài sản

Các hành vi nguy hiểm cho xã hội trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ cụ thể là các hành vi nguy hiểm liên quan đến tiền kỹ thuật số.

 Tại buổi tọa đàm "Xây dựng khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số" (do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng 8-3), có đại biểu đề nghị cần có thêm tội danh liên quan đến tiền kỹ thuật số, tài sản mã hóa quy định trong BLHS (sửa đổi). Ảnh: HOÀNG GIANG

Tại buổi tọa đàm "Xây dựng khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số" (do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng 8-3), có đại biểu đề nghị cần có thêm tội danh liên quan đến tiền kỹ thuật số, tài sản mã hóa quy định trong BLHS (sửa đổi). Ảnh: HOÀNG GIANG

Hiện nay Việt Nam chưa quy định khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số nên không thể xác định tiền kỹ thuật số có phải là tài sản ở dạng vật, tiền, giấy tờ có giá. Tiền kỹ thuật số liên quan đến các hành vi nguy hiểm cụ thể sau:

Tiền kỹ thuật số là đối tượng của các hành vi chiếm đoạt với các hình thức chiếm đoạt như cướp hoặc lừa đảo.

Trong trường hợp này không thể xử lý về các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt vì tiền kỹ thuật số không thỏa mãn các đặc điểm của các loại tài sản theo quy định của BLDS ở dạng vật, tiền, giấy tờ có giá. Vật được hiểu là một bộ phận của thế giới vật chất tồn tại với hình dáng, kích thước, tính năng, đặc điểm riêng biệt.

Khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định: “Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng năm 2010 quy định: “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều kiện khác”.

Điều 115 BLDS năm 2015 quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.

Lập luận tạm thời về tiền kỹ thuật số

Thực tiễn xét xử thể hiện trong Bản án số 841/2023/HS-PT ngày 1-11-2023 của TAND Cấp cao tại TP.HCM về tội cướp tài sản (điểm a khoản 4 Điều 168 BLHS năm 2015), HĐXX nhận định các bị cáo đã khống chế nạn nhân, chuyển thành công 168 Bitcoin, rồi quy đổi 86,91 Bitcoin được 18,88 tỉ đồng và đã chiếm đoạt 3 điện thoại di động, 1 camera hành trình.

Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định hành vi của các bị cáo phạm tội cướp tài sản theo điểm a khoản 4 Điều 168 BLHS là có căn cứ. Nội dung của bản án đã khẳng định tiền ảo Bitcoin không phải là tài sản mà chỉ là vật trung gian để các bị cáo chiếm đoạt được 18,88 tỉ đồng của nạn nhân.

Cách lập luận này có thể giải quyết được vụ án chủ yếu ở khía cạnh xác định số tiền chiếm đoạt để định khung hình phạt nhưng đã không giải quyết trọn vẹn vụ án như xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt, xử lý vật chứng đối với số Bitcoin còn lại.

Như vậy, không đủ cơ sở pháp lý để xác định tiền kỹ thuật số là một loại tài sản. Trường hợp này không thể quy định cụ thể tiền kỹ thuật số là đối tượng tác động vào dấu hiệu định tội của các tội xâm phạm sở hữu mà cần dẫn chiếu đến khung pháp lý cho đối tượng này.

Do vậy, cần thiết phải hoàn thiện khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số vì còn liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp lý khác và từ đó có thể áp dụng quy định của BLHS.

Hiện nay, khoản 1 Điều 53 Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số (dự thảo 5.8, ngày 2-3-2025) quy định: “Tài sản số là tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử. Tài sản số bao gồm tài sản ảo trên môi trường điện tử, tài sản mã hóa và các loại tài sản số khác”.

Nếu Luật Công nghiệp công nghệ số được thông qua và có hiệu lực pháp luật thì tiền kỹ thuật số sẽ được xem là 1 loại tài sản, từ đó việc áp dụng quy định của BLHS về các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt sẽ đảm bảo về lý luận và pháp lý. Trên thực tế, tiền kỹ thuật số còn có thể là đối tượng tác động của các hành vi tổ chức các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số bất hợp pháp và BLHS năm 2015 chưa có quy định các tội phạm cụ thể liên quan đến dạng hành vi này.

Tiền kỹ thuật số là công cụ, phương tiện để thực hiện các hành vi phạm tội khác như rửa tiền, tổ chức đánh bạc, các tội phạm liên quan đến hành vi mua bán người, tội phạm ma túy hoặc buôn bán vũ khí quân dụng.

Đối với vấn đề này cần có các sửa đổi, bổ sung quy định của BLHS về biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm (Điều 47 BLHS năm 2015) và quy định về xử lý vật chứng theo quy định của BLTTHS năm 2015.

Tập trung các loại hàng cấm trong danh mục hàng cấm

Nghị quyết số 173/2024/QH15 đã quy định “Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người".

Nghị quyết 173/2024 thể hiện chủ trương chung nhưng để xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến các đối tượng này cần có khung pháp lý quy định liên quan một cách đồng bộ từ quy định trong danh mục hàng cấm đến xử lý vi phạm hành chính và các quy định của BLHS.

Sau khi có Nghị quyết thì hiện nay chưa có các sửa đổi, bổ sung liên quan đến danh mục hàng cấm theo quy định của Luật Đầu tư.

Về lý luận, trên cơ sở của Nghị quyết, BLHS năm 2015 có thể bổ sung đối tượng tác động là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với các định lượng cụ thể vào dấu hiệu định tội quy định tại khoản 1 các Điều 190,191 BLHS năm 2015 tương tự như các loại hàng cấm thuốc lá điếu nhập lậu hay pháo nổ.

Tuy nhiên cách thức này sẽ dẫn đến tình trạng quy định của BLHS phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung khi xuất hiện các loại hàng cấm mới.

Do vậy, sẽ hiệu quả hơn khi quy định tập trung các loại hàng cấm trong danh mục hàng cấm và quy định của BLHS sẽ dẫn chiếu đến. Đối với các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người cần quy định cụ thể các loại khí hoặc chất gây nghiện nào là chất ma túy để có cơ sở pháp lý để áp dụng quy định của BLHS.

Xây dựng cấu thành chung cho hành vi vi phạm trật tự quản lý kinh tế

BLHS năm 2015 đã bãi bỏ Tội cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS năm 1999) và thay thế bằng các tội vi phạm quy định về quản lý kinh tế trong các lĩnh vực cụ thể như Tội vi phạm quy định về cạnh tranh (Điều 217 BLHS năm 2015), Tội vi phạm quy định về kinh doanh đa cấp (Điều 217a BLHS năm 2015)...

Tuy nhiên, cách thức quy định này đã bộc lộ điểm hạn chế khi các tội phạm cụ thể đã không bao quát được hết các lĩnh vực quản lý kinh tế. Trong thời gian qua đã xuất hiện các vụ việc mà người thực hiện đã có hành vi vi phạm các quy định về quản lý kinh tế trong các lĩnh vực như kiểm toán, thẩm định giá, kiểm định, đăng kiểm... và đã gây ra các hậu quả nghiêm trọng nhưng BLHS năm 2015 chưa có các điều luật quy định cụ thể cho các tội phạm này.

Do vậy, BLHS năm 2015 cần được sửa đổi theo hướng quy định bổ sung các Tội vi phạm các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế ngày càng phát triển, các lĩnh vực hoạt động kinh tế ngày càng phong phú, đa dạng, phức tạp, nếu BLHS năm 2015 chỉ dừng lại ở việc bổ sung các tội vi phạm quy định về quản lý kinh tế trong các lĩnh vực cụ thể mà không có quy định cho cấu thành chung sẽ dẫn đến quy định của BLHS sẽ nhanh chóng lạc hậu khi kinh tế phát triển và hành vi vi phạm cũng gia tăng cả về phạm vi và quy mô.

Do vậy, nhà làm luật cần cân nhắc phương án quy định một cấu thành chung cho hành vi vi phạm quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, một số hoạt động kinh tế có tính đặc thù do quá trình xã hội hóa một số dịch vụ công như chứng thực, đăng kiểm, kiểm định đã xuất hiện các hành vi vi phạm có tính nguy hiểm cao nên BLHS cần có quy định về các tội phạm cho các hành vi này.

Tội phạm hóa hành vi gian lận trong thương mại điện tử

Quá trình sửa đổi, bổ sung quy định của BLHS năm 2015 cần tập trung nghiên cứu để tội phạm hóa các hành vi có tính nguy hiểm cao khác.

Cụ thể như các hành vi xâm phạm an toàn công cộng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông như các hành vi xâm phạm an toàn về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số, hành vi của tổ chức cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông mà không tuân thủ các quy định của Nhà nước theo Luật An ninh mạng và các quy định khác gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, các hành vi gian lận trong hoạt động thương mại điện tử như buôn bán hàng hóa kém chất lượng, gian dối trong quảng bá công dụng, chất lượng của sản phẩm đã gây ra các hậu quả nghiêm trọng như ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh, phát triển bền vững.

TS NGUYỄN THỊ ÁNH HỒNG Trưởng Bộ môn Luật Hình sự, Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-toi-pham-hoa-cac-hanh-vi-nguy-hiem-cao-cho-xa-hoi-trong-tinh-hinh-moi-post841624.html