Cần trả lại công viên Thủ Dầu Một cho người dân

Công viên bị 'hô biến' thành nơi kinh doanh của một doanh nghiệp, người dân mong muốn sớm trả lại chức năng và tên cho Công viên Thủ Dầu Một.

Công viên Thủ Dầu Một được quy hoạch cách đây 20 năm để người dân có nơi vui chơi, sinh hoạt. Thế nhưng từ một công viên công cộng, hiện nay bị “hô biến” thành nơi kinh doanh của một doanh nghiệp, nên người dân mong muốn sớm trả lại chức năng và tên cho Công viên Thủ Dầu Một.

Người dân muốn vào công viên phải đi bằng cổng Công viên Văn hóa Thanh Lễ do Công ty Thanh Lễ tự đặt.

Người dân muốn vào công viên phải đi bằng cổng Công viên Văn hóa Thanh Lễ do Công ty Thanh Lễ tự đặt.

Công viên Thủ Dầu Một ra đời vào năm 2000 theo Quyết định số 945/UBND của UBND tỉnh Bình Dương, nhưng chỉ tồn tại được 7 năm. Bởi, đến năm 2007, tỉnh Bình Dương cho chủ trương xã hội hóa, giao cho Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (viết tắt là Công ty Thanh Lễ) quản lý và khai thác. Ngay sau đó, cái tên Công viên Thủ Dầu Một cũng “biến mất”, thay vào đó là: Công viên Văn hóa Thanh Lễ, do doanh nghiệp đặt ra. Theo chủ trương của tỉnh Bình Dương, Công ty Thanh Lễ sẽ được khai thác kinh doanh ở 13ha trong tổng số 31ha diện tích của công viên, nhằm tạo nguồn kinh phí đầu tư cho phần công cộng.

Kể từ khi có doanh nghiệp tham gia, công viên này có thêm các tiện ích và sản phẩm giải trí cho người dân thay vì trước đây chỉ có cây xanh và thảm cỏ. Công ty Thành Lễ cũng xây thêm nhiều văn phòng, nhà hàng tiệc cưới, hồ bơi, sân tennis, quán cà phê... Nhưng cùng với việc “trương phình” của dịch vụ kinh doanh thì các dịch vụ thể dục thể thao, vui chơi cộng đồng ngày càng “teo tóp”. Trong đó, điều khiến người dân “bất bình” nhất là cổng chính của công viên bị đóng chặt, chỉ mở cổng theo lối đi vào các công trình dịch vụ, đó là chưa kể nhiều đường đi lối lại đã bị rào chắn, tạo thành “ốc đảo” riêng biệt của doanh nghiệp.

Bà Vương Thị Thuận (55 tuổi, người dân ở phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một) cho biết: trước đây, Công viên Thủ Dầu Một luôn mở cửa cho người dân ra vào vui chơi giải trí cả ngày, đêm. Nhưng từ khi thành Công viên Văn hóa Thanh Lễ thì giờ mở cửa cho người dân ra, vào rất hạn chế.

“Theo tôi thấy, Thanh Lễ bao hết thì dân không tới vui chơi được nữa, con nít không có chỗ để chơi. Giờ thấy bao quanh công viên là nhà hàng, khách sạn, sân banh, sân goft… dân chúng vô cũng không dám vô”.

Cổng chính Công viên Thủ Dầu Một luôn đóng kín.

Cổng chính Công viên Thủ Dầu Một luôn đóng kín.

Bên trong công viên là nhà hàng tiệc cưới sang trọng chiếm phần lớn diện tích.

Bên trong công viên là nhà hàng tiệc cưới sang trọng chiếm phần lớn diện tích.

Việc công viên bị doanh nghiệp lạm dụng chủ trương xã hội hóa biến thành nơi kinh doanh khiến nhiều người dân bức xúc. Ông Nguyễn Văn Nà, người dân phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một đề nghị, các ngành chức năng Bình Dương phải yêu cầu doanh nghiệp trả lại Công viên Thủ Dầu Một như ban đầu: “Nếu giải quyết thỏa đáng thì nên mở rộng công viên để đẹp tươi hơn, thoáng hơn. Công viên thành phố Thủ Dầu Một mới mở rộng tầm nhìn sẽ đẹp hơn”.

Trước những kiến nghị của người dân, năm 2018, UBND tỉnh Bình Dương đã có Công văn số 5912, chấp thuận bàn giao Công viên Thủ Dầu Một từ Công ty Thanh Lễ về cho UBND thành phố Thủ Dầu Một quản lý. UBND tỉnh giao cho các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ bàn giao công viên; đồng thời rà soát, quy hoạch công viên nhằm bảo đảm phù hợp so với định hướng phát triển đô thị Thủ Dầu Một. Và, hiện nay, các sở ngành đang thực hiện các bước theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Đối với thành phố Thủ Dầu Một, khi chính thức tiếp nhận quản lý thì phải đánh giá lại hiện trạng công viên và quy hoạch lại tổng thể để mang tính chất hài hòa trong khu vực, đảm bảo yếu tố công viên công cộng phục vụ lợi ích của người dân. Tuy nhiên, đến nay việc bàn giao vẫn còn nhiều vướng mắc.

Hồ bơi Công ty Thanh Lễ xây để thu tiền khách hàng.

Hồ bơi Công ty Thanh Lễ xây để thu tiền khách hàng.

Ông Trần Sỹ Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Dầu Một giải thích: “Hiện nay, các sở, ban, ngành và Thủ Dầu Một đang phối hợp nhau để khẩn trương, sớm bàn giao. Do thủ tục liên quan nhiều sở, ngành nên thủ tục bị kéo dài trong thời gian qua”.

Khi những vướng mắc chưa được tháo gỡ thì tại đây vẫn tiếp tục mọc lên nhiều công trình, dịch vụ thu tiền của dân. Lý giải vấn đề này, theo ông Đoàn Minh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Thanh Lễ, đơn vị đang phối hợp với các ngành liên quan để bàn giao công viên lại cho Thủ Dầu Một quản lý, kể cả các công trình đã được xây dựng, cải tạo suốt nhiều năm qua. Về các công trình mới mọc lên, ông Quang cho rằng, không nằm trong khu đất công viên mà do công ty tự đền bù, giải tỏa cho dân.

Theo chủ trương xã hội hóa, doanh nghiệp được đầu tư các hạng mục kinh doanh trong công viên, nhưng cũng phải tạo điều kiện cho người dân hưởng thụ tối đa, người dân phải tự do vào công viên tham quan, thư giãn. Thế nhưng, trong quá trình quản lý Công ty Thanh Lễ đã “vô tình” biến công viên thành "tư viên", chú trọng việc kinh doanh mà “quên” việc phục vụ cộng đồng. Câu hỏi đang đặt ra ở đây là: Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa công viên tại Bình Dương có vấn đề, hay là chính quyền “thờ ơ”, tạo điều kiện để doanh nghiệp thu lợi riêng./.

Thiên Lý/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/can-tra-lai-cong-vien-thu-dau-mot-cho-nguoi-dan-1013382.vov