Cần trách nhiệm từ gia đình để học sinh không vi phạm giao thông

Nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, nguyên nhân chủ yếu hầu hết xuất phát từ lỗi không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông. Ở lứa tuổi này, các em có những quan điểm bốc đồng, bồng bột, thiếu suy nghĩ, nên từ lỗi vi phạm giao thông cũng dễ dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật khác.

Khoảng cách từ nhà đến trường quá xa với các em để đi xe đạp, phụ huynh tất bật với công việc không đủ thời gian để đưa đón con đến trường, thêm nữa là sự buông lỏng “thoái mái” của chính các bậc phụ huynh đã vô tình tiếp tay… Các em tự điều khiển phương tiện. Tình trạng học sinh điều khiển xe môtô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe vẫn còn xảy ra.

Đội CSGT Bàn Cờ xử lý học sinh vi phạm giao thông.

Đội CSGT Bàn Cờ xử lý học sinh vi phạm giao thông.

Em H. học sinh lớp 11 trường THPT Marie Curie, quận 3, TP Hồ Chí Minh cho biết, học sinh lứa tuổi của em đi đến trường bằng xe máy là chuyện bình thường. Nhiều bạn do ba mẹ không có thời gian đưa đón, một số thì muốn thể hiện.

Ngày 6/9, Đội CSGT Bàn Cờ thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quân chấn chỉnh lại trật tự an toàn giao thông (TTATGT) nhằm giáo dục học sinh khi tham gia giao thông, đồng thời xử lý kỷ luật phù hợp với những trường hợp học sinh vi phạm ATGT.

Khoảng 11h ngày 6/9, tại ngã tư Điện Biên Phủ - Nguyễn Thị Minh Khai, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP Hồ Chí Minh, tổ công tác tuần tra Đội CSGT Bàn Cờ phát hiện nhiều trường hợp học sinh chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển phương tiện trên 50 phân khối đã lập biên bản xử lý. Có nhiều lý do được các em đưa ra để giải thích, kèm lời hứa nhằm được lực lượng CSGT bỏ qua lỗi vi phạm. Tuy nhiên, đâu cũng vào đấy. Dù bị CSGT xử lý hay chỉ nhắc nhở, bỏ qua lỗi vi phạm, hôm sau lỗi lại tiếp diễn.

Em T. học sinh lớp 10 trường này dừng xe xử lý vi phạm cho biết, từ khi tựu trường đến nay em đã 2 lần bị CSGT xử lý vi phạm với lỗi không đủ tuổi sử dụng phương tiện trên 50 phân khối.

Học sinh nhận thức về pháp luật còn hạn chế, có tâm lý dễ bị lôi kéo, kích động nên dẫn đến các hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông như: lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, bốc đầu, nẹt pô, đua, kéo xe… Khi xảy ra tình huống sẽ không xử lý kịp thời dẫn đến tai nạn, gây nguy hiểm đến tính mạng cho chính bản thân và những người xung quanh.

Trong thời gian tới, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường xử lý các hành vi vi phạm về ATGT, xử lý nghiêm đối với người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện, xử lý người dưới 18 tuổi, học sinh và chủ phương tiện có liên quan. Lực lượng Công an sẽ tăng cường phối hợp ngành giáo dục, đồng thời tham mưu chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đến các trường học, khu dân cư.

Ngoài ra, để đảm bảo ATGT, lực lượng CSGT rất cần sự quan tâm cùng chung sức, phối hợp đến từ các bậc phụ huynh trong việc quản lý, giáo dục ý thức khi tham gia giao thông cho con em, vì chính phụ huynh mới là những người hiểu rõ nhất về đặc điểm tâm lý, nhân cách của các em; không vì bất kỳ một lý do nào để biện minh việc giao phương tiện cho các em.

Phan Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/can-trach-nhiem-tu-gia-dinh-de-hoc-sinh-khong-vi-pham-giao-thong-i742894/