Cần trang bị kiến thức phòng chống dịch bệnh gia súc cho người dân vùng cao

Thời gian gần đây, dư luận quan tâm về tình trạng một số bò giống từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số hỗ trợ ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vừa bàn giao cho hộ dân được vài ngày thì bị bệnh. Hiện nay, dịch bệnh lở mồm long móng trên trâu, bò bùng phát, lây lan diện rộng ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì những ổ dịch lở mồm long móng liên tiếp xảy ra trên địa bàn các xã miền núi còn do kiến thức chăn nuôi của người dân vùng cao hạn chế, lạc hậu.

Trong tháng 6, 7/2024, xã Hướng Phùng và xã Húc, huyện Hướng Hóa tiếp nhận 115 con bò giống từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (xã Hướng Phùng 62 con, xã Húc 53 con) hỗ trợ để cấp cho người dân. Sau một thời gian ngắn, trong số bò được cấp này có một số con bị bệnh với các biểu hiện có vết loét ở miệng, kẽ chân, viêm quanh viền móng chân, đi lại khó khăn.

Trước đó, khi nhập bò mới về người dân đã nhốt chung với bò cũ của gia đình hoặc chăn thả bò bị bệnh với trâu, bò chưa mắc bệnh đã làm bệnh lở mồm long móng lây lan sang đàn trâu, bò tại địa phương.

Còn tại xã Ba Lòng, huyện Đakrông do tập quán thả rông trâu, bò với số lượng lớn nên khi trâu, bò bị bệnh người dân không kịp thời phát hiện khiến dịch bệnh lây lan nhanh trong đàn vật nuôi của địa phương. Tính đến ngày 28/8, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 5 xã, thị trấn của 2 huyện: Hướng Hóa (4 xã, thị trấn) và Đakrông (1 xã) xảy ra bệnh lở mồm long móng chưa qua 21 ngày; tổng số trâu, bò mắc bệnh 387 con; chết, chôn hủy 13 con.

Có thể thấy, dịch bệnh lở mồm long móng đang bùng phát mạnh ở đàn trâu, bò do người dân tộc thiểu số chăn nuôi ở các địa phương. Nguyên nhân là do kiến thức về chăn nuôi của người dân tộc thiểu số còn hạn chế. Người dân ở đây chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, tập quán thả rông gia súc là phổ biến nên đã không phát hiện kịp thời vật nuôi bị bệnh.

Cũng vì ít hiểu biết về kiến thức chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi nên dù được thụ hưởng nhiều mô hình sinh kế từ nguồn hỗ trợ cây, con giống của các chương trình, dự án nhưng người dân vẫn chưa thoát được nghèo.

Để bỏ đi tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một số người dân vùng cao, hiện nay, các chương trình, dự án hỗ trợ thường áp dụng phương châm “trao cần câu, không trao xâu cá”. Tuy nhiên, nếu người nhận “cần câu” không biết cách “câu cá” thì cũng không mang lại hiệu quả kinh tế.

Điều này cho thấy, cùng với việc hỗ trợ về cây, con giống, cần thiết phải có các chương trình tập huấn, cung cấp kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt cho người dân, nhất là đối tượng thụ hưởng dự án là người dân tộc thiểu số.

Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, với tính chất lây lan nhanh của bệnh lở mồm long móng và đàn trâu, bò tại các địa phương chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh vụ thu thì việc người chăn nuôi chậm báo cáo dịch, không nhốt riêng trâu, bò bị bệnh, không thực hiện tốt vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực xảy ra dịch bệnh... càng làm mầm bệnh phát tán, lây lan rộng trong môi trường. Vì vậy, nguy cơ dịch lở mồm long móng có thể tiếp tục phát sinh tại các địa phương khác và lây lan sang đàn lợn, dê nếu không thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống, khống chế dịch.

Trở lại đợt dịch bệnh lở mồm long móng hiện nay, bên cạnh giải pháp kỹ thuật để khống chế các ổ dịch, ngành chăn nuôi, thú y phối hợp chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể cần thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với người chăn nuôi vùng cao về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh, lợi ích của tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng, phương pháp điều trị gia súc mắc bệnh.

Cần tăng cường cán bộ thú y, cán bộ khuyến nông về hướng dẫn trực tiếp cho hộ chăn nuôi các biện pháp phòng bệnh như: không nhốt chung, không thả rông trâu, bò trong vùng dịch, vệ sinh môi trường bằng hóa chất, vôi bột... nhằm tiêu độc, khử trùng nơi nuôi nhốt, bãi chăn thả có ổ dịch, địa bàn tiếp giáp có nguy cơ cao.

Trước khi bàn giao con giống cần hướng dẫn hộ dân cụ thể về thời gian, quy trình kỹ thuật nuôi cách ly động vật mới nhập. Khi có vật nuôi bị bệnh cần nhanh chóng khai báo với cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương nhằm cách ly triệt để, khoanh vùng dịch, ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập ra bên ngoài.

Các xã có trâu, bò bị bệnh lở mồm long móng cần thành lập tổ công tác phòng chống dịch để điều tra tổng đàn vật nuôi, nắm chắc tình hình dịch bệnh. Yêu cầu hộ chăn nuôi cam kết với chính quyền địa phương thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển gia súc bị bệnh; không giết mổ, tiêu thụ gia súc bị bệnh hoặc nghi bị bệnh; không buôn bán, vận chuyển gia súc mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh; không vứt xác gia súc chết, gia súc bệnh ra môi trường); thực hiện tiêu hủy gia súc mắc bệnh và tiêu độc, khử trùng chuồng trại, dụng cụ, khu vực chăn nuôi có mầm bệnh theo đúng hướng dẫn của cán bộ thú y.

Ngày 26/8/2024, UBND tỉnh có Văn bản 3871/ UBND-KT yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn, khống chế bệnh lở mồm long móng.

Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền các cấp và cơ quan chức năng, để sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh rất cần sự chủ động, tinh thần trách nhiệm trong việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh của hộ chăn nuôi trên địa bàn đang xảy ra dịch bệnh.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/can-trang-bi-kien-thuc-phong-chong-dich-benh-gia-suc-cho-nguoi-dan-vung-cao-187973.htm