Cần trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhà nước
Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước ngày 14/9, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc, tồn tại của doanh nghiệp nhà nước; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để phát huy vai trò doanh nghiệp nhà nước trong đó có việc tạo khung thể chế, trao quyền tự chủ nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp này.
Cơ hội cho các doanh nghiệp nhà nước tái cấu trúc
Tại điểm cầu TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM có 47 doanh nghiệp nhà nước. Tính đến thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước là 105 nghìn tỷ, vốn chủ sở hữu là 75 nghìn tỷ. Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm là 31,5 nghìn tỷ, tổng lợi nhuận là 4.855 tỷ, tỉ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu là 6,49%...
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong thời gian vừa qua, TPHCM đã thường xuyên tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp nhà nước, rà soát kết quả giải quyết vướng mắc của các doanh nghiệp nhà nước. Qua đó, đã tập hợp được 232 nội dung kiến nghị của doanh nghiệp nhà nước; đã phân nhóm và giải quyết được 113 kiến nghị. Các kiến nghị tập trung vào các vấn đề về quy hoạch đất đai, thủ tục đầu tư dự án… và có 6 nội dung liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan Trung ương.
Ông Phan Văn Mãi cho hay, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã thống nhất về phương án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước của Thành phố và Thành phố đang khẩn trương triển khai, gắn với đề xuất của Thành ủy. Tới đây sẽ có một nghị quyết về doanh nghiệp nhà nước của Thành phố. Đồng thời UBND Thành phố sẽ có một Đề án về phát huy doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
"Chúng ta rất cần khung thể chế để phát huy vai trò doanh nghiệp nhà nước, tập trung tháo gỡ các vướng mắc, trao quyền tự chủ nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp nhà nước để phát huy hết tiềm năng", ông Phan Văn Mãi nói.
Thực tiễn, tại TPHCM, các doanh nghiệp nhà nước đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của Thành phố. Nhưng thời gian gần đây, sự đóng góp này lại không nhiều như thời gian trước.
Ông Phan Văn Mãi cho biết, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 98 của Quốc hội sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục tái cấu trúc và đóng góp mạnh mẽ hơn nữa.
TPHCM cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo hướng cho phép bổ sung vốn điều lệ, đồng thời cho cơ chế đặt hàng các doanh nghiệp nhà nước thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Theo ông Phan Văn Mãi, đây là việc rất quan trọng.
Vấn đề thứ hai là chuyển giao trong thanh toán giữa các doanh nghiệp cùng chủ sở hữu. Vấn đề thứ ba là cho phép thuê thanh toán mặt bằng để giám sát việc quản lý sử dụng tài sản, kịp thời cảnh báo, quản lý tốt hơn.
TPHCM cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh, để sử dụng hiệu quả hơn các tài sản nhà đất. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về chuyển đổi công ty nhà nước thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước thành công ty TNHH MTV tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp. Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương về chế độ tiền lương, trong đó có chế độ tiền lương, tiền công phù hợp cho doanh nghiệp nhà nước…
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng cần có một cơ chế phát huy sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để phát triển các doanh nghiệp nhà nước.
Tập trung tháo gỡ, vướng mắc tồn tại của doanh nghiệp nhà nước
Trong khi đó, đại diện UBND TP. Hà Nội cho hay, trong thời gian qua, các doanh nghiệp nhà nước của TP. Hà Nội hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước của Thành phố cũng là đơn vị chủ đạo trong việc cung cấp các dịch vụ công, thủy lợi, vệ sinh môi trường, cấp thoát nước… góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế.
Trong năm 2022, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã ban hành Quyết định về việc ủy quyền cho Sở Tài chính thực hiện một số quyền, trách nhiệm của UBND Thành phố (cơ quan đại diện chủ sở hữu) đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do UBND Thành phố thành lập.
Qua hơn một năm thực hiện, kết quả bước đầu rất tích cực, các nội dung như ra quy hoạch, giám sát tài chính, giải quyết các vấn đề kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp được xử lý nhanh và kịp thời, do đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ triển khai kịp thời, có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác đổi mới, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội.
Đồng thời, tập trung tháo gỡ, vướng mắc tồn tại của doanh nghiệp về tài chính, tài sản, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động của doanh nghiệp; đề cao vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp trong việc triển khai cơ cấu lại, áp dụng các giải pháp tiên tiến, nâng cao hiệu quả quản trị của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa vốn theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm đúng quy định pháp luật, công khai minh bạch, bảo đảm hiệu quả cao nhất.
Cùng kiến nghị, đề xuất với TPHCM, UBND TP. Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) để làm sao giải quyết kịp thời, dứt điểm các vướng mắc của doanh nghiệp nhà nước.