Cần trao quyền tự chủ nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp nhà nước
Cần khung thể chế để phát huy vai trò doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tập trung tháo gỡ các vướng mắc, trao quyền tự chủ nhiều hơn nữa cho các DNNN...
DNNN lỗ phát sinh hơn 33 nghìn tỉ đồng
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT tại tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với DNNN, tính đến hết năm 2022, tổng tài sản của DNNN trên toàn quốc đạt hơn 3,8 triệu tỉ đồng, tăng 4% so với năm 2021.
Năm 2023, tính đến 30.6, tổng doanh thu của DNNN là 689.534 tỉ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế thu nhập doanh nghiệp là 67.403 tỉ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm 2023.
Ước cả năm 2023 tổng doanh thu của toàn khu vực DNNN đạt hơn 1,4 triệu đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra; tổng lãi phát sinh trước thuế 117.388 tỉ đồng, tăng 9% so với kế hoạch đề ra. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách nhà nước của DNNN cả năm 2023 ước đạt 128.821 tỉ đồng, tăng 7% so với kế hoạch.
Đáng chú ý, có 64/676 DN có phát sinh lỗ 29.456 tỉ đồng; 144/676 DN (chiếm 21% tổng số DNNN) có tổng số lỗ lũy kế là 69.892 tỉ đồng. Các DNNN có nợ phải trả là 1,98 triệu tỉ đồng, tăng 6% so với năm 2021.
Tổng lỗ phát sinh của cả khu vực DNNN là 33.639 tỉ đồng, chủ yếu tập trung ở khối các DN trung ương như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ phát sinh 32.055 tỉ đồng, Tổng công ty Hàng không lỗ phát sinh 1.317 tỉ đồng.
Đáng giá chung năm 2022 và 8 tháng năm 2023, Bộ KH-ĐT cho rằng, về cơ bản, các DNNN hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn nhà nước; thể hiện rõ vai trò trong việc góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế; là công cụ quan trọng để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô…
Tuy nhiên, nhiều DN gặp khó khăn, thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/tài sản còn thấp, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.
Các tập đoàn, tổng công ty chưa chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực. Các tập đoàn, tổng công ty chưa có sự phối hợp, liên kết, tận dụng thế mạnh của DN trong các lĩnh vực để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, đặc biệt là vấn đề thu xếp vốn cho dự án…
Cần trao quyền tự chủ nhiều hơn cho DNNN
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết cơ bản các dịch vụ viễn thông hiện nay khá bão hòa. Do đó, cần tìm ra phương hướng mới và phải thật sự khác biệt; củng cố năng lực tự lực, tự cường của nền kinh tế, mở mang những lĩnh vực mới, động lực tăng trưởng mới.
Vừa qua, Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Lãnh đạo Viettel mong Chính phủ có lộ trình rõ ràng, từ kế hoạch, nhiệm vụ, phân công các đơn vị, bộ, ngành, doanh nghiệp trong việc phối hợp với đối tác Hoa Kỳ để tiếp nhận công nghệ hàng đầu, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ số.
Liên quan đến đầu tư, ông Tào Đức Thắng kiến nghị cần đầu tư mạnh hơn nữa cho hạ tầng số. So với các nước trong khu vực, hạ tầng kết nối, hạ tầng lưu trữ data center trữ lượng lớn của Việt Nam vẫn đang chậm hơn.
Nêu trường hợp tại tỉnh Hòa Bình và Sơn La, khảo sát trên 100 người thì 80 người dùng điện thoại thông minh, ông Tào Đức Thắng cho rằng nên đầu tư mạnh phủ sóng 4G và 5G, hạ tầng số ở vùng sâu, vùng xa, vùng Tây Bắc. Đặc biệt, cần đấu giá để triển khai công việc này sớm và trong điều kiện đấu giá, yêu cầu các DN phải phủ sóng đến vùng sâu, vùng xa để bà con được hưởng dịch vụ mới, hiện đại, tránh trường hợp chỉ phủ sóng ở trung tâm.
Ngoài ra, ngày 26.6 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã chứng kiến trao Thỏa thuận khung về thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn.
“Viettel rất muốn tham gia vào dự án này và đề xuất Bộ trưởng Công Thương, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn sử dụng công nghệ 5G trong xây dựng cửa khẩu thông minh, xây dựng kho chứa hàng hóa, cũng như phân phối hàng hóa hai chiều giữa Trung Quốc và Việt Nam”, ông Thắng nói.
Đại diện từ nhóm DN năng lượng, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV EVN đã hứa với Thủ tướng là đảm bảo cung ứng điện.
Về cân bằng tài chính, EVN cho biết đang tập trung các giải pháp tối ưu chi phí, cắt giảm chi phí không cần thiết để bớt gánh nặng tài chính. Ông Đặng Hoàng An kỳ vọng trong thời gian tới EVN sẽ dần cân bằng tài chính.
Mặt khác, theo ông Đặng Hoàng An, mảng đầu tư cho năng lượng rất vướng. Đầu tư là cho năng lượng là rất lớn và thiết yếu, nhưng trong hệ thống thể chế chưa có bất cứ cơ chế đặc thù nào cho năng lượng. Vì vậy, cần thiết ban hành chế cơ chế đặc thù sớm cho lĩnh vực này, nếu không rất khó làm.
"Luật Doanh nghiệp mở, nhưng Luật 69 (Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp - PV) chặt quá. Như vậy, quá trình ra quyết định và xin báo cáo rất lâu. Ngoài ra, hội đồng thành viên các tập đoàn cần phải được phân cấp nhiều hơn nữa", Chủ tịch EVN nhận định.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch TP.HCM cho hay Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã thống nhất về phương án sắp xếp DNNN của TP và TP đang khẩn trương triển khai, gắn với đề xuất của Thành ủy. Tới đây sẽ có một nghị quyết về DNNN của TP; đồng thời UBND TP sẽ có một Đề án về phát huy DNNN trong giai đoạn hiện nay.
"Chúng ta rất cần khung thể chế để phát huy vai trò DNNN, tập trung tháo gỡ các vướng mắc, trao quyền tự chủ nhiều hơn nữa cho các DNNN để phát huy hết tiềm năng", ông Phan Văn Mãi nói.