Cần trị liệu khủng hoảng cho những người sống sót sau thảm họa
Khi một thảm họa xảy ra, các bệnh viện ngoài chữa trị chấn thương, còn đối diện những đau khổ, cảm giác tội lỗi của những người sống sót.
Vào ngày 28 tháng 11 năm 1942, một đám cháy bùng phát và lan nhanh tại một hộp đêm chật kín người ở Boston tên là Cocoanut Grove vốn chỉ có duy nhất một lối thoát hiểm nhưng đã bị chặn. Tổng cộng có 492 người chết cùng hàng trăm người khác bị thương, do ngạt thở, hít phải khói, bị dẫm đạp hay bị bỏng.
Đội ngũ bác sĩ và bệnh viện ở Boston đều quá tải - không chỉ do những nạn nhân bị thương hay sắp chết do vụ hỏa hoạn mà còn do những nạn nhân về mặt tâm lý: những thân nhân quẫn trí vì vợ, chồng, con cái, anh chị em của mình tử vong một cách khủng khiếp; và cả những người sống sót sau vụ cháy bị sang chấn tâm lý vì mặc cảm tội lỗi khi được sống trong khi hàng trăm vị khách phải chết.
Cho đến 10h15 tối, cuộc sống của họ vẫn bình thường, chỉ tập trung vào dịp nghỉ cuối tuần đúng lễ Tạ ơn, một trận bóng bầu dục và ngày nghỉ phép của lính tráng thời chiến. Nhưng đến 11h tối, hầu hết nạn nhân đều đã chết, và cuộc sống của những người thân cũng như người còn sống rơi vào khủng hoảng.
Con đường đời của họ đã bị trật bánh. Họ cảm thấy hổ thẹn do mình còn sống trong khi người thân yêu lại chết đi. Thân quyến những người chết đã mất đi trụ cột của mình. Vụ hỏa hoạn này làm lay chuyển niềm tin vào một thế giới công bình cho không chỉ những người sống sót mà cả người dân Boston ở xa đám cháy. Những người bị trừng phạt không phải là kẻ hư hỏng hay xấu xa: họ chỉ là những con người bình thường, bị chết không phải do lỗi lầm của họ. [...]
Một quan sát thường xuyên của những chuyên gia giúp đỡ người khác trong một biến cố cá nhân cấp thời là một điều gì đó diễn ra trong phạm vi khoảng thời gian sáu tuần. Trong thời kỳ chuyển đổi ngắn ngủi đó, chúng ta sẽ nghi ngờ những đức tin mà mình yêu kính, và chúng ta dễ lĩnh hội thay đổi cá nhân hơn so với thời kỳ dài ổn định trước đó.
Chúng ta không thể sống mãi như thế nếu không có một số phương sách ứng phó, dù có thể đau buồn, khổ não hay vẫn thất nghiệp hoặc giận dữ. Trong vòng khoảng sáu tuần, chúng ta bắt đầu tìm kiếm một phương sách ứng phó mới, thứ cuối cùng sẽ tỏ ra có hiệu quả, hoặc bám vào một phương sách không thích nghi mới, hoặc trở lại với những phương thức không thích nghi cũ. [...]
Một nhà trị liệu giải quyết thế nào với một người gặp phải biến cố? Hiển nhiên, những phương pháp truyền thống của tâm lý trị liệu dài hạn, vốn thường tập trung vào những trải nghiệm thời thơ ấu để hiểu được căn nguyên của những vấn nạn hiện tại, giờ không còn phù hợp với một biến cố do việc trị liệu quá đỗi chậm chạp. Thay vào đó, việc điều trị biến cố tập trung vào chính biến cố tức thì.
Các phương pháp điều trị đó ban đầu được bác sĩ tâm thần Erich Lindemann đưa ra ngay trong hậu quả tức thời của vụ hỏa hoạn Cocoanut Grove, khi các bệnh viện ở Boston không chỉ phải đối mặt với thách thức về y tế trong việc cứu chữa sinh mạng của hàng trăm người bị thương hoặc đang hấp hối, mà còn thách thức về mặt tâm lý trong việc xử lý những đau khổ và cảm giác tội lỗi của một số lượng đông đảo hơn những người sống sót, thân nhân và bạn bè của họ.
Những con người quẫn trí này tự vấn tại sao thế giới lại chấp nhận để một sự cố như vậy xảy ra, và tại sao họ vẫn còn sống trong khi người thân yêu của mình lại gánh chịu một cái chết thảm khốc do đám cháy, giẫm đạp hay ngạt khói.
Chẳng hạn, một người chồng đã nhảy khỏi cửa sổ để được chết cùng người vợ mới qua đời bởi mặc cảm tội lỗi, dằn vặt bản thân vì đã dẫn người vợ đến Cocoanut Grove. Trong khi những bác sĩ phẫu thuật đang cứu chữa các nạn nhân bị bỏng, thì các nhà tâm lý trị liệu làm gì để chữa cho những nạn nhân bị sang chấn tâm lý từ vụ cháy? Đó là biến cố mà vụ hỏa hoạn Cocoanut Grove đặt ra cho ngành tâm lý trị liệu. Đám cháy chứng thực cho thời điểm khai sinh ngành trị liệu khủng hoảng.
Nhằm nỗ lực trợ giúp cho một lượng lớn người bị sang chấn tâm lý, Lindemann bắt đầu triển khai cách tiếp cận mà bây giờ được gọi theo thuật ngữ “trị liệu khủng hoảng,” và rồi cách này nhanh chóng lan rộng từ thảm họa Cocoanut Grove sang các dạng biến cố cấp thời mà tôi đã nêu ở trên.
Nhiều thập niên qua đi kể từ năm 1942, các chuyên gia tâm lý trị liệu khác tiếp tục tìm ra những phương cách mà giờ đây được thực hành và giảng dạy ở nhiều dưỡng đường, như ở phòng khám nơi Marie làm việc. Nguyên tắc cơ bản của trị liệu khủng hoảng theo như chu kỳ là ngắn hạn, chỉ có khoảng sáu phiên điều trị rải đều ở mỗi tuần, kéo dài tiến trình thời gian tương ứng với một diễn trình biến cố cấp thời.
Thông thường, khi một người lần đầu tiên bị đẩy vào một tình trạng biến cố, họ cảm thấy bị ức chế bởi ý nghĩ mọi thứ trong đời mình đều chệch hướng. Vì thế, khi người đó còn cảm thấy như bị tê liệt thì thật khó để tiến hành thực hiện điều gì ngay lúc ấy. Vì thế, mục tiêu tức thời của nhà tâm lý trị liệu trong phiên điều trị đầu tiên - hoặc còn gọi là bước đầu nếu một người đang đối phó với một biến cố mà họ thừa nhận hay với sự giúp đỡ của bạn bè - là khắc phục được sự tê liệt đó bằng các biện pháp gọi là “dựng một hàng rào”, nghĩa là xác định những sự việc đặc biệt thực sự đi chệch hướng trong biến cố để người đó có thể nói ra, “Ở đây, bên trong hàng rào, là những vấn đề đặc biệt trong cuộc đời của tôi, mọi thứ khác bên ngoài đều bình thường và cũng ổn".
Một người trong biến cố thường cảm thấy khuây khỏa khi họ bắt đầu hiểu được vấn đề ấy và xây dựng một hàng rào quanh nó. Sau đó, nhà trị liệu có thể giúp đỡ khách hàng của mình tìm ra những phương cách khác nhau để ứng phó với vấn đề đặc biệt bên trong hàng rào. Từ đó, khách hàng sẽ tham gia vào một tiến trình thay đổi có chọn lọc, có thể thực hiện được, thay vì vẫn bị tê liệt bởi vẻ cần thiết bề ngoài của việc thay đổi toàn bộ, thứ vốn bất khả thi.