Cẩn trọng đặt cọc 'quyền giao dịch dự án'
Thời gian qua ghi nhận nhiều trường hợp chủ đầu tư 'lách luật' để huy động vốn bằng cách ký hợp đồng hợp tác đầu tư, góp vốn... như tại dự án B5 Cầu Diễn, hay thậm chí các đối tượng còn gian dối bằng cách nhận tiền đặt cọc 'quyền giao dịch dự án' để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khách hàng như trường hợp xảy ra tại Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng số 10 (Coma10), thành viên của Tổng công ty cổ phần Cơ khí xây dựng (Coma).
Cụ thể, khoảng năm 2008, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội có quyết định giao cho Tổng công ty Coma lô đất ký hiệu 11.E6, diện tích 7.636 m2 tại đường Phạm Hùng để nghiên cứu lập dự án xây dựng trụ sở văn phòng.
Vào tháng 9/2015, bà Nguyễn Thanh Tâm tìm hiểu và biết Tổng công ty Coma đang mời gọi nhà đầu tư tham gia dự án.
Vì quen biết ông Trương Minh Lộc (sinh năm 1963, từng giữ chức vụ Ủy viên HÐQT kiêm Phó tổng giám đốc Coma10), bà Tâm đã gọi điện cho Lộc để tìm hiểu dự án.
Tại thời điểm này, mặc dù không còn nằm trong ban lãnh đạo Coma10, nhưng Lộc vẫn giới thiệu các chức vụ trên và nói được Ban Giám đốc Công ty ủy quyền đứng ra giao dịch hợp tác kinh doanh dự án 11.E6 Phạm Hùng của Tổng công ty Coma.
Lộc đến gặp Ban Tổng giám đốc Tổng công ty Coma và được biết muốn tham gia đầu tư dự án phải có năng lực tài chính.
Ðầu tháng 10/2015, Lộc nghĩ ra việc “bán quyền giao dịch dự án” - tức là đại diện cho Tổng công ty Coma đứng ra kêu gọi các nhà đầu tư tham gia và rủ bà Tâm góp 1 tỷ đồng.
Lộc hứa hẹn số tiền này sẽ được nộp vào Tổng công ty để đặt cọc mua quyền giao dịch dự án, còn Lộc cũng đặt một khoản tiền để chi phí “quan hệ”.
Bà Tâm đồng ý góp vốn với điều kiện, sau 3 tháng nếu giao dịch không thành công thì phải trả lại tiền. Ngày 16/10/2015, bà Tâm đã chuyển khoản số tiền trên.
Ðến tháng 4/2016, thấy dự án không được thực hiện nên bà Tâm nhiều lần hỏi Lộc về số tiền trên. Lộc nói dối tiền đã chuyển cho Tổng công ty Coma, nhưng chưa tìm được đối tác nên chưa triển khai.
Lộc cũng trưng bằng chứng là tờ phiếu chuyển tiền, song không đưa cho bà Tâm giữ với lý do “sợ mất”.
Cuối năm 2016, bà Tâm tìm hiểu thì biết tiền chưa được nộp cho tổng công ty này nên gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an.
Ðại diện Tổng công ty Coma cho biết, giai đoạn 2008-2009, Tổng công ty được giao lô đất trên để làm văn phòng trụ sở làm việc.
Tổng công ty có mời gọi công khai nhà đầu tư tiềm năng để hợp tác, nhưng chưa tìm thấy đối tác đủ tiềm lực tài chính. Tổng công ty không bán quyền giao dịch dự án, không nhận tiền hay tài sản “lót tay” của ông Lộc, không ủy quyền giao dịch dự án cho ông Lộc.
Phía Coma10 cũng cho hay, không nắm được thông tin dự án, cũng không được Tổng công ty giao quyền đại diện đầu tư.
Trong khi đó, ông Trương Minh Lộc đã xin nghỉ việc từ năm 2014 và Coma10 đã bầu lại các chức danh chủ chốt của Công ty.
Mới đây, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã xử phạt bị cáo Trương Minh Lộc mức án 4 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ðánh giá về các hợp đồng/thỏa thuận như trên, một chuyên gia pháp lý cho rằng, cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng, công bằng.
Theo vị này, trong trường hợp pháp luật không quy định, không cho các bên ký kết, nhưng các bên vẫn chấp nhận ký kết và thực hiện.
Khi đó, sẽ không xem xét tính đúng, sai vì dự án thường triển khai theo giai đoạn và có thể đến một giai đoạn nào đó dù chưa thực hiện, nhưng các bên đã ký kết và đến khi dự án hoàn thành mới phát sinh tranh chấp.
Trường hợp các bên ký hợp đồng và ngay sau đó phát sinh tranh chấp, thì lúc này cần phải xem xét về hình thức, nội dung hợp đồng/thỏa thuận và ý chí của các bên.
Nói như vậy để thấy rằng, trong nhiều vụ việc, không phải chủ dự án đều hoàn toàn sai, quan trọng là phải xác định ý chí của các bên,nếu chứng minh có dấu hiệu gian dối thì phải làm sáng tỏ.
Còn nếu các bên cùng biết dự án chưa đủ điều kiện mà vẫn “đi đêm” với nhau, sau đó phá vỡ hợp đồng, thì không nên cổ xúy cho người mua vì có thể sẽ khiến chủ đầu tư bị ảnh hưởng về năng lực, uy tín tài chính để thực hiện cam kết với khách hàng, lý do bởi người đi mua chưa chắc đã là người tiêu dùng cuối cùng.