Cẩn trọng để không mất tiền vì những cuộc gọi lừa đảo
Chỉ trong một ngày, một nam thanh niên nhận được 5 cuộc gọi khác nhau, tự nhận là công an, yêu cầu bàn giao tất cả số dư tài khoản để kiểm tra dòng tiền vì liên quan đến vụ án rửa tiền bất hợp pháp.
Còn một nạn nhân khác, chỉ vì tin tưởng đầu dây bên kia là một luật sư nổi tiếng trên mạng xã hội, có thể lấy lại tiền cho cô từ một nhóm lừa đảo nên đã chuyển khoản tiền và lập tức bị chặn số điện thoại cùng các tài khoản mạng xã hội khác.
Cái giá của đặt lòng tin sai chỗ phải đánh đổi số tiền hơn 600 triệu đồng.
Sở dĩ các đối tượng lừa đảo thường xuyên lựa chọn giả mạo danh nghĩa công an, luật sư, cán bộ tư pháp để lừa đảo đạt được kết quả cao hơn do đánh đúng tâm lý bằng nỗi sợ hãi, cùng sự thiếu hiểu biết, thiếu kiểm chứng của người dân.
Các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống của người dân.
Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp 24 hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng Việt Nam, phổ biến rộng rãi từ cuối năm 2023 đến nay nhằm giúp người dân có thể nhận diện và biết cách phòng chống với các phương thức lừa đảo trực tuyến.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, từ 24 phương thức, thủ đoạn lừa đảo trực tuyến phổ biến, các đối tượng tiếp tục nghiên cứu để tích hợp và phát triển ra các thủ đoạn lừa đảo mới, khiến cho người dân gặp nhiều khó khăn trong việc nhận diện và phòng tránh.
Cơ quan chức năng khuyến cáo nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng. Người dân cần cảnh giác với bất kỳ cuộc gọi tự xưng nào để tránh bị lừa đảo.