Cẩn trọng khi cho trẻ xem Youtube

Nhiều phụ huynh thường cho con xem các video trên Youtube, nhưng ít khi để ý, quan tâm đến nội dung. Bên cạnh nhiều video mang tích chất chia sẻ những trải nghiệm, trò chơi, giải trí lành mạnh, thì còn không ít video thực hiện những trò đùa nhảm nhí, độc hại, nguy hiểm, gây tác động đến hành vi, nhân cách, tính mạng của trẻ.

Điều đáng quan tâm hiện nay là, các kênh Youtube cảnh báo trẻ em, có giới hạn độ tuổi còn rất hạn chế. Nhiều video trên Youtube có nội dung không lành mạnh, nêu gương xấu, độc hại, mang tính chất “xúi” làm bậy, nhưng vẫn có hàng nghìn lượt xem, theo dõi và không có bất kỳ cảnh báo nào, đặc biệt đối với trẻ em. Điển hình như kênh Peppa Pig là chương trình dành cho trẻ em, nhưng một số đối tượng trục lợi lại làm nhái thành những video với nội dung phản cảm, bạo lực. Gần đây, trường hợp của em V.T.D, ở TP.Hồ Chí Minh đã tử vong, vì học theo “trò chơi treo cổ” trên kênh video nhái Peppa Pig là hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh.

Có một thực tế là, nhiều bậc cha mẹ, người lớn thường cho trẻ xem các kênh Youtube mà rất ít khi quản lý, kiểm soát nội dung. Chị N.T.K.H, ở TP.Quảng Ngãi cho hay: “Khi cho con xem các video trên Youtube, thấy con ngồi xem rất thích thú, không chạy nhảy lung tung. Tôi thường dặn con không xem các video độc hại, có cảnh bạo lực, chứ không có thời gian để kiểm soát các nội dung mà con xem”.

Theo Trưởng khoa Tâm căn - Tâm thần trẻ em (Bệnh viện Tâm thần tỉnh), Bác sĩ CKI Phạm Thị Thu Trà, nhiều trang Youtube có những nội dung mang tính chất giáo dục ngược, trái với xu thế phát triển của xã hội, thu hút sự tò mò của trẻ nhiều hơn những nội dung giáo dục truyền thống, khiến trẻ định hình tư duy, ý thức lệch lạc. “Ý thức, nhận thức, cảm xúc, hành vi toàn bộ của trẻ em chưa ổn định và đang có cơ chế bắt chước theo hành vi của người lớn, bắt chước những vấn đề xung quanh, trong đó có những video trên mạng xã hội Youtube. Nếu như tác động vào tư duy, nhận thức bằng các chuỗi nội dung độc hại thì tư duy, nhận thức của trẻ sẽ phát triển theo hướng độc hại. Do đó, phụ huynh đừng giao phó chiếc điện thoại cho trẻ như “osin công nghệ”, phải chắt lọc cho trẻ xem các chương trình phù hợp với mỗi lứa tuổi và kiểm soát tốt về thời gian. Tuyệt đối không dùng điện thoại như chiến thuật để dỗ dành, đáp ứng nhu cầu vòi vĩnh của trẻ”, bác sĩ Trà khuyến cáo.

Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Trần Cao Tánh cho biết: Các video có nội dung giật gân, không lành mạnh xuất hiện ngày càng nhiều trên Youtube. Mặc dù đã có những tiêu chí thẩm định nội dung độc hại, nhưng rất khó để quản lý được các video trên kênh Youtube. Bởi hiện nay, công cụ tầm soát nội dung và nguồn nhân lực còn hạn chế. Mới đây, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) có công văn đề nghị Công ty Google tăng cường rà soát, chấn chỉnh, xử lý, ngừng chia sẻ tiền quảng cáo đối với các kênh Youtube có nội dung nhảm nhí, giật gân, phản cảm, nhằm mục đích lôi kéo, thu hút người xem để trục lợi. Nếu kênh Youtube tiếp tục vi phạm, đề nghị ngăn chặn, gỡ bỏ kênh, nhất là các kênh, video hướng tới đối tượng người xem là trẻ em, nhưng có nội dung không lành mạnh, vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

HẢI CHÂU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2034/202011/can-trong-khi-cho-tre-xem-youtube-3031941/