Cẩn trọng khi đặt phòng online tại Đà Lạt

Lợi dụng niềm tin của du khách, một số kẻ xấu đã lừa đảo tiền đặt cọc phòng khách sạn rồi biến mất. Điều này để lại hình ảnh xấu với du lịch Đà Lạt (Lâm Đồng).

Chia sẻ với Zing, ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thành phố Đà Lạt, cho biết vừa tiếp nhận đơn trình báo của một du khách về việc bị lừa khi đặt phòng online. Người này cho biết bị một tài khoản tên Phùng Lợi lừa 2,4 triệu đồng tiền cọc rồi chặn tài khoản. Sau khi chia sẻ trên mạng xã hội, du khách này được biết tiếp tục có một người khác bị lừa với số tiền khoảng 3,3 triệu đồng.

Hình thức lừa đảo của tài khoản Phùng Lợi khá phổ biến. Kẻ lừa đảo yêu cầu du khách chuyển khoản tiền cọc phòng, thường là 100%. Sau khi nhận được tiền, kẻ xấu sẽ chặn tài khoản. Đáng chú ý, đối tượng sử dụng một tài khoản ngân hàng đứng tên Nguyen Van Tuyen. Đây là cách nhiều kẻ lừa đảo thường dùng để tránh việc lộ thông tin thật.

Du khách bị chặn tài khoản sau khi chuyển khoản cho đối tượng xấu. Ảnh: Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Đà Lạt.

Du khách bị chặn tài khoản sau khi chuyển khoản cho đối tượng xấu. Ảnh: Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Đà Lạt.

Gần đây, việc lừa đảo qua hình thức đặt phòng online diễn ra ở khá nhiều nơi, đặc biệt tại Đà Lạt khi thành phố này có rất nhiều homestay. Tuy nhiên, theo ông Kiệt, nhiều homestay trên địa bàn chưa được công nhận. Chủ nhà tự ý xây dựng, đón khách khi chưa có giấy phép, đảm bảo điều kiện an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy hoặc dựng nhà tạm bợ...

Nhiều trường hợp quảng cáo không đúng sự thật, khách đặt một nơi nhưng ở một nẻo. Không ít homestay tự phát này có cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu nhân viên phục vụ, gây ảnh hưởng xấu đến trải nghiệm du lịch của du khách.

Phòng Văn hóa Thông tin thành phố khẳng định Đà Lạt chỉ có 6 cơ sở được công nhận là homestay, gồm Ngôi nhà tím (phường 9), Thung lũng dâu (phường 7), Đồi Thỏ con (phường 11), Đạ Lạch Noah (phường 10), Là nhà (phường 8), Đợi một người (phường 3).

Dự kiến lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt trên địa bàn thành phố từ 29/1 đến hết ngày 6/2 (tức mùng 6 âm lịch) đạt khoảng 72.000 lượt (tăng 71% so với Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, giảm 15% so với lượng khách Tết Nguyên đán Canh Tý 2020). Lượng khách quốc tế đạt khoảng 900 lượt, chủ yếu từ mùng 2 đến mùng 5 Tết.

Thời gian cao điểm du lịch nhất rơi vào 2 ngày mùng 3, mùng 4 Tết. Các khách sạn 3-5 sao phục vụ công suất ước đạt trên 90%. Khách sạn 1-2 sao, căn hộ du lịch, nhà cho thuê nguyên căn đạt 70-80%. Các hạng còn lại đạt dưới 60%.

Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Đà Lạt khuyến cáo hiện nay có nhiều trường hợp giả danh cơ sở homestay nhằm bán phòng, nhận tiền cọc của khách rồi chặn liên lạc. Kẻ lừa đảo thường sử dụng hình ảnh của cơ sở khác để tạo niềm tin cho du khách. Các cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn nếu phát hiện ra tài khoản nào dùng hình ảnh của mình để quảng cáo khi chưa được sự cho phép cần báo cáo đến cơ quan chức năng để xử lý.

Vì vậy, Cơ quan quản lý nhà nước, Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Đà Lạt, khuyến cáo du khách thận trọng, tìm hiểu rõ về cơ sở, có thể xin xem giấy phép kinh doanh, các giấy tờ liên quan đến cơ sở trước khi quyết định đến ở hoặc đặt cọc qua mạng.

Anh Tú

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-trong-khi-dat-phong-online-tai-da-lat-post1291957.html