Cẩn trọng khi đi làm đẹp

Chỉ cần gõ cụm từ 'biến chứng sau làm đẹp', ngay lập tức, Google trả về hơn 1,7 triệu kết quả. Điều đó cho thấy đã có không ít người phải 'lãnh' hậu quả khi đi làm đẹp.

Nhân viên y tế Bệnh viện Da liễu Đồng Nai chăm sóc da mặt cho khách hàng. Ảnh: H.D

Nhân viên y tế Bệnh viện Da liễu Đồng Nai chăm sóc da mặt cho khách hàng. Ảnh: H.D

Nhiều người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ đang bắt đầu các “chiến dịch” làm đẹp để đón Tết Nguyên đán 2025. Để tránh gặp phải những cơ sở làm đẹp trá hình và các bác sĩ “dỏm”, chị em cần hết sức thận trọng khi gửi gắm nhan sắc của mình

Tiền mất, tật mang vì làm đẹp sai địa chỉ

Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh Bệnh viện Da liễu Đồng Nai tiếp nhận và điều trị cho 3 bệnh nhân bị biến chứng sau làm đẹp như: da nổi các cục hạch do tiêm thuốc không tan, da sưng tấy mẩn đỏ, sẹo do bắn laser...

Trên thực tế, còn khá nhiều biến chứng khác mà khách hàng phải hứng chịu như: nhiễm trùng, dị dạng, biến dạng ở vị trí thẩm mỹ, mù mắt sau tiêm filler, chảy máu và nguy hiểm nhất là tử vong.

Bộ Y tế cảnh báo, hiện có những cơ sở làm đẹp cố ý đặt tên giống với tên của cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động nhưng khác về địa điểm kinh doanh. Có hiện tượng mạo danh bác sĩ bệnh viện để lừa đảo người dân. Các đối tượng giả mạo thường xuyên tạo ra các fanpage lấy tên bác sĩ bệnh viện để quảng cáo, gây nhầm lẫn cho người đến khám và điều trị.

Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Thu Thảo, Trưởng khoa Thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai, cho biết tiêm filler là kỹ thuật đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Vùng mũi có rất nhiều mạch máu thông với vùng mắt. Khi người tiêm không có kiến thức sẽ tiêm filler vào và gây tắc mạch, hình thành huyết khối, trôi vào động mạch võng mạc gây mù lòa. Thậm chí, nếu tiêm filler với liều lượng nhiều, áp lực lớn còn khiến huyết khối chui vào sâu hơn qua động mạch mũi, mắt rồi tới động mạch cảnh trong ở sọ não gây đột quỵ.

Theo bác sĩ Thu Thảo, dịp cuối năm, nhiều khách hàng có nhu cầu nâng mũi để có dáng mũi cao, “bay”, đi hút mỡ bụng để có eo thon, cắt mí mắt, làm trắng da cấp tốc…, nhưng hãy cẩn trọng để tránh tiền mất, tật mang.

Liên quan đến phương pháp làm đẹp lột bỏ hẳn lớp da mặt để điều trị nám da đang được lan truyền trên mạng xã hội những ngày gần đây, bác sĩ Thảo nói đây là phương pháp rất nguy hiểm, không khuyến cáo người dân thực hiện.

Bác sĩ Thu Thảo cho hay, nám má là bệnh lý da mãn tính, cần điều trị kiểm soát lâu dài, vì vậy dù bị ở bất kỳ mức độ nào, khách hàng cũng nên điều trị tại các cơ sở uy tín, không nên bắt chước những cách làm trên mạng xã hội vì sẽ tạo cho vi khuẩn xâm nhập vào da, gây nhiễm trùng, biến chứng.

Chấn chỉnh các cơ sở làm đẹp

Đồng Nai có dân số đông, nhu cầu làm đẹp của người dân khá cao nhưng hiện số cơ sở khám, chữa bệnh có chuyên khoa thẩm mỹ được cấp phép hoạt động mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Trong khi đó, số lượng các cơ sở thẩm mỹ, cơ sở làm đẹp khác “mọc lên như nấm” ở khắp nơi, đặc biệt là ở thành phố Biên Hòa. Trong đó, nhiều cơ sở lấy những tên rất “kêu” như “thẩm mỹ viện”, “viện thẩm mỹ”, “thẩm mỹ quốc tế” nhằm thu hút khách hàng.

Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung đề nghị, các cơ sở y tế công lập có chuyên khoa thẩm mỹ như Bệnh viện Da liễu Đồng Nai cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết đến các kỹ thuật mà bệnh viện có thể làm đẹp. Qua đó, giúp người dân có địa chỉ làm đẹp an toàn, tránh làm đẹp ở những cơ sở “chui”, cơ sở không được cấp phép.

Nhằm tăng cường công tác quản lý các cơ sở làm đẹp, thời gian qua, các lực lượng chức năng của Sở Y tế đã tiến hành thanh, kiểm tra tại nhiều cơ sở. Qua kiểm tra cho thấy, những vi phạm chủ yếu của các cơ sở gồm: chưa gửi thông báo cơ sở đủ điều kiện hoạt động dịch vụ thẩm mỹ đến Sở Y tế; chưa có hợp đồng lao động giữa cơ sở và người hành nghề; chưa có chứng chỉ, chứng nhận đào tạo phòng, chống các bệnh lây nhiễm qua đường máu và dịch sinh học. Nhiều cơ sở niêm yết bảng giá các dịch vụ thẩm mỹ sử dụng các trang thiết bị của cơ sở chưa đúng quy định như quảng cáo các dịch vụ phải thực hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh. Thực hiện các kỹ thuật thẩm mỹ có sử dụng tia laser, IPL, đốt điện. Sử dụng kim phun xăm chưa đảm bảo điều kiện vô trùng…

Ngoài ra, có tình trạng cơ sở trá hình phòng khám, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ để thực hiện các dịch vụ có liên quan đến thẩm mỹ, tiềm ẩn nguy cơ gây ra nhiều tai biến nghiêm trọng.

Tại hội nghị giao ban ngành y tế mới đây, Chánh thanh tra Sở Y tế Dương Hồng Danh đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý hoạt động khám, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và các hoạt động làm đẹp trên địa bàn.

Các địa phương cần tăng cường rà soát, kiểm tra, kiên quyết không để xảy ra tình trạng cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không phép nhưng lại quảng cáo và thực hiện các dịch vụ, thủ thuật, phẫu thuật thẩm mỹ xâm lấn gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân trên địa bàn quản lý. Xử lý nghiêm các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp làm sai quy định pháp luật. Công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, phòng tránh.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202411/can-trong-khi-di-lam-dep-c9303fe/