Cẩn trọng khi đưa căn cước công dân cho người khác

Mặc dù cơ quan chức năng đã cảnh báo nhưng một số người dân vẫn còn chủ quan khi chia sẻ, đăng tải hình ảnh căn cước công dân (CCCD) trên mạng xã hội hoặc đưa cho người khác, dẫn đến bị lộ lọt thông tin cá nhân để kẻ xấu lợi dụng vào mục đích lừa đảo và vi phạm pháp luật.

Theo cơ quan công an, CCCD là một loại giấy tờ quan trọng, có mã QR và chip chứa rất nhiều thông tin cá nhân, trong đó bao gồm những thông tin về tên, năm sinh, ảnh cá nhân, dữ liệu sinh trắc học cơ bản… Tuy nhiên, nhiều người vẫn “vô tư” trong việc bảo quản CCCD của mình khi đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội, hoặc đưa cho người khác mà không hề có sự kiểm tra. Hành vi trên tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân vì chỉ cần dựa vào mã QR hoặc thông tin in trên thẻ CCCD là biết rõ thông tin cá nhân của công dân. Từ những thông tin đó, đối tượng có thể dùng hình ảnh CCCD để đăng ký tài khoản ngân hàng, hoặc vay tiền trên app, bị dùng để đăng ký số điện thoại trả sau và có thể bị dùng để đăng ký mã số thuế ảo…

Thực tế cho thấy đã có một số người dân trở thành nạn nhân của kẻ xấu vì bị lộ lọt thông tin CCCD. Cụ thể như trường hợp chị Phạm Thị H. (SN 1983, quê Thái Bình) bỗng nhiên “mắc nợ xấu” ngân hàng vì bị người khác sử dụng CCCD đi vay tiền online.

Theo nội dung vụ việc, chị H. đến nhà của Võ Phước Lợi (SN 2001, quê Bến Tre, tạm trú tại phường Bình Hòa, TP.Thuận An) nhờ đăng ký tài khoản bán hàng trên trang thương mại điện tử. Lợi đề nghị chị H. cung cấp số điện thoại, CCCD, hình ảnh chân dung để đăng ký tài khoản. Sau khi có được CCCD của chị H. Lợi đã tự tải ứng dụng vay tiền về điện thoại của chị và làm hợp đồng vay tín dụng online với nội dung thông tin cá nhân của H. nhưng không nói cho chị H. biết. Khi thực hiện hợp đồng vay tín dụng thành công, đơn vị cho vay đã giải ngân chuyển khoản số tiền 30 triệu đồng vào số tài khoản của chị H. Để chiếm đoạt số tiền trên, Lợi nói dối với chị H. do anh ta không sử dụng tài khoản ngân hàng và có nhờ người thân chuyển 30 triệu đồng vào tài khoản của H. nên yêu cầu chị rút tiền đưa cho Lợi. Chị H. đồng ý và đi rút 30 triệu đồng đưa cho Lợi.

Thời gian sau đó, khi chị H. đến ngân hàng để làm hợp đồng vay tiền thì phát hiện đang bị “nợ xấu” nên trình báo cơ quan công an. Qua làm việc, Võ Phước Lợi đã thừa nhận sự việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Từ vụ việc trên, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD trên mạng xã hội, hoặc không cung cấp thông tin CCCD cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân. Người dân cũng không cho người khác mượn CCCD nếu không có mục đích chính đáng.

Khi mất CCCD, người dân cần trình báo lên cơ quan chức năng và làm lại giấy tờ, đồng thời phòng ngừa trường hợp số CCCD bị lợi dụng thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật thì có căn cứ để chứng minh bản thân không có liên quan đến các giao dịch dân sự đó. Trong trường hợp bị lừa lấy thông tin CCCD để đi vay tiền, người dân cần nhanh chóng thông báo với đơn vị cho vay, đồng thời liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ nhanh nhất. Còn trường hợp bị các đối tượng khác lợi dụng lấy số thẻ CCCD để đi đăng ký mở tài khoản ngân hàng hay đăng ký thuê bao trả sau thì người dân cũng cần nhanh chóng liên hệ đến ngân hàng, nhà mạng để được hỗ trợ.

NGUYỄN HẬU

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/can-trong-khi-dua-can-cuoc-cong-dan-cho-nguoi-khac-a325517.html