Cẩn trọng khi dùng Cloramin B

Để tăng cường phòng ngừa dịch bệnh tay chân miệng đang bùng phát ở nhiều nơi, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị cơ sở thực hiện cấp phát miễn phí và hướng dẫn cụ thể về việc pha Cloramin B cho các cơ quan, trường học trong vùng dịch.

Đây là một việc làm rất kịp thời và hiệu quả cũng đã được chứng minh nhưng trên thực tế, nhiều nơi chỉ làm tốt việc cấp phát mà xem nhẹ hướng dẫn pha chế. Điều này rất dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc Cloramin B. Vụ ngộ độc Cloramin B đối với 27 trẻ em mầm non ở phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương vừa qua là một ví dụ.

Cloramin B có thành phần hóa học chính là Sodium benzensulfochleramin, trong đó có chứa chorine hoạt tính (25% -27%). Cloramin B phổ biến ở dạng bột màu trắng hoặc viên nén, là hóa chất đã được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo dùng trong khử khuẩn và diệt khuẩn. Tác dụng diệt khuẩn của Cloramin B thì đã rõ nhưng lưu ý hóa chất này có nguồn gốc từ clo nên có tác dụng kích ứng và bị mất hoạt tính bởi các chất hữu cơ do chúng dễ kết hợp với các chất hữu cơ. Nhiều người rất sai lầm khi cho rằng pha Cloramin B nhiều cũng được, ít cũng không sao hoặc pha với nồng độ càng cao thì khi khử trùng, virus càng nhanh chết.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia ở Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, nếu pha chế nồng độ vượt quá 2% thì có thể gây ngộ độc đường tiêu hóa và ảnh hưởng đến các cơ quan khác như suy hô hấp, giảm thị lực, viêm da, tấy đỏ da… Sau 8 giờ ngộ độc Cloramin B, nếu không được cấp cứu kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong.

Ngoài việc ngộ độc Cloramin B do pha chế không đúng nồng độ thì trong thực tế còn có thể xảy ra do sơ ý uống nhầm, ăn nhầm hoặc bôi nhầm… Khi ngộ độc Cloramin B thì sẽ có các biểu hiện: kích thích la hét, hung dữ; kích thích da, nổi mẩn đỏ; nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy; ho, khó thở, khò khè; chảy nước mắt…

Các chuyên gia chống độc khuyên chúng ta không nên quá hoảng hốt khi ngộ độc Cloramin B. Cụ thể là cần cho bệnh nhân uống ngay một cốc nước ấm hoặc natribicarbonate để trung hòa thân nhiệt. Nếu ngộ độc khí Cloramin B thì người bệnh cần được đưa ra khỏi vùng có khí ô nhiễm và đưa đi cấp cứu kịp thời. Nếu ngộ độc do tiếp xúc trực tiếp với hóa chất trong lúc vệ sinh thì cần rửa sạch da nhiều lần bằng xà phòng và nước sạch. Nếu lỡ nuốt phải thì nên uống ngay một ít nước ấm và dùng vài thìa than hoạt hoặc natribicarbonate để uống, không nên cố gắng gây nôn. Khi bị hóa chất này bắn vào mắt thì phải rửa sạch mắt bằng nước sạch nhiều lần và khẩn trương đến cơ sở y tế.

Theo SKĐS

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2033/202006/can-trong-khi-dung-cloramin-b-3008051/