Cẩn trọng khi mua đất theo tin đồn
Gần đây, tình trạng 'sốt' đất xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn. Riêng tại Hà Nội, những thông tin về quy hoạch hai bên sông Hồng đang bị giới đầu cơ lợi dụng, đẩy giá đất khu vực này 'leo thang'. Thực tế, dự kiến đến tháng 6-2021, quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng mới được phê duyệt và cho đến khi có quy hoạch chi tiết - bước cụ thể hóa quy hoạch phân khu, còn mất thời gian khá dài, nên nếu không thận trọng, người mua có thể chịu thiệt hại lớn.
Nhiều thông tin rao bán đất được đăng công khai. Ảnh minh họa
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được phê duyệt từ năm 2011. Do nhiều nguyên nhân, phải mất gần 10 năm, đến nay Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng mới đạt đến những bước cuối trước khi được phê duyệt, dự kiến trong tháng 6 tới. Thế nhưng, những thông tin về đồ án quy hoạch này đang bị giới đầu cơ lợi dụng để đẩy giá đất.
Theo các chuyên gia, quy trình từ quy hoạch đến hiện thực hóa quy hoạch thường vài năm, thậm chí cả chục năm và phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong đó, riêng việc lập quy hoạch cũng theo từng giai đoạn. Sau đồ án quy hoạch chung của một tỉnh, thành phố được phê duyệt sẽ đến bước nghiên cứu lập các đồ án quy hoạch phân khu. Từ đồ án quy hoạch phân khu tiếp tục lập các đồ án quy hoạch chi tiết, làm cơ sở lập dự án đầu tư… Trên thực tế, hiện thực hóa quy hoạch chi tiết còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là việc huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng công trình theo nội dung quy hoạch xác định.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đến thời điểm này, những thông tin về đồ án Quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng mới là những định hướng khai thác hiệu quả quỹ đất, tăng chỉ tiêu không gian xanh công cộng cho thành phố, đáp ứng nhu cầu về không gian vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao cho người dân. Đặc biệt, quy hoạch định hướng sẽ kiến tạo lại một số khu dân cư, nâng cao chất lượng sống cho người dân, cải thiện điều kiện hạ tầng xã hội... Vì thế, những ai định mua đất ở khu vực này cần hết sức thận trọng.
“Việc đổ xô mua đất ăn theo thông tin quy hoạch hai bên bờ sông Hồng là minh chứng của việc lợi dụng thông tin quy hoạch để “thổi” giá bất động sản. Từ khoảng 20 năm trước, việc nghiên cứu quy hoạch sông Hồng đã được tính đến. Mỗi khi có thông tin về nghiên cứu quy hoạch, thậm chí chỉ là những phần cục bộ như kè hai bờ sông, tổ chức giao thông thủy…, lập tức giá đất đã “chạy trước” đón đầu”, ông Đào Ngọc Nghiêm nói.
Nhiều chuyên gia quy hoạch cảnh báo, nếu “nhắm mắt” mua đất với tin đồn nằm trong quy hoạch, nhà đầu tư có thể ăn phải “trái đắng”, thậm chí là mất trắng vì mua phải đất không thuộc diện đất ở, mà là đất thuộc quy hoạch cây xanh hay giao thông.
Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, tại một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án để “tạo sóng”. Nhiều trường hợp bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: Đất rừng, đất ruộng, vườn… “Cò đất” thường xuyên tụ tập ở những khu vực này, tạo ra sự sôi động giả, tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc.
Bộ Xây dựng cũng khẳng định, tình trạng “sốt đất” tại một số địa phương là do giới đầu cơ lợi dụng các thông tin về quy hoạch, nâng cấp đơn vị hành chính, nâng cấp hệ thống hạ tầng… để tung tin đồn, mua đi bán lại bất động sản, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông nhằm trục lợi.
Trước tình trạng trên, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng… cùng nhiều ngành khác đã cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng khi mua đất.
Để ngăn chặn tình trạng tung tin đồn, đẩy giá đất lên quá cao, các chuyên gia cho rằng, trước hết cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch, tuyên truyền rộng rãi về bản chất của vấn đề quy hoạch và sự phát triển của thị trường bất động sản, những hệ lụy khi tham gia thị trường khi sốt ảo. Việc công bố quy hoạch cần gắn với công bố kế hoạch và lộ trình thực hiện.
Tại mỗi địa phương, việc cắt sốt đất có thể thực hiện bằng việc: Tạm dừng cho chuyển mục đích sử dụng đất vì quy hoạch chưa được phê duyệt; giải tán các “chợ cóc” bất động sản do “cò nhà đất” lập ra… nhằm không để hình thành hiệu ứng đám đông. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ việc cung cấp tín dụng cho kinh doanh bất động sản.