Cẩn trọng khi mua thiết bị phòng dịch
Do số ca nhiễm SAR-CoV-2 tại thành phố Hà Nội đang có xu hướng tăng nên các giao dịch mua bán bộ kit test nhanh Covid-19, máy đo nồng độ ô xy trong máu (SPO2), thuốc điều trị Covid-19… diễn ra sôi động trên thị trường, đặc biệt là các mạng xã hội. Trước thực trạng này, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi mua các thiết bị y tế, thuốc điều trị Covid-19 và nên mua theo danh sách được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Chào bán công khai
Tìm hiểu thực tế trong những ngày gần đây, các bộ kit test nhanh Covid-19, máy đo SPO2, thuốc điều trị Covid-19… trên địa bàn Thủ đô luôn cháy hàng. Nhiều người mua hàng chục bộ kit test để dùng cho gia đình và dự phòng; có người mua cho công ty số lượng lên đến 5.000-6.000 bộ... nên giá các sản phẩm này đội lên rất nhiều. Các bộ kit test nhanh đều được quảng cáo có xuất xứ từ nhiều nước như: Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản... nhưng là hàng xách tay nên nhiều sản phẩm chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, một số sản phẩm không có chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Đơn cử như trên mạng xã hội Facebook có tài khoản rao bán bộ test Covid-19 Newgene xách tay của Pháp giảm giá 50% còn 48.000 đồng/bộ. Trong khi đó, tài khoản khác rao bán sản phẩm tương tự với giá 65.000 đồng/bộ. Tuy nhiên, phóng viên Báo Hànôịmới không tìm thấy sản phẩm này trong danh sách 69 loại test nhanh kháng nguyên được Bộ Y tế cấp phép.
Tương tự, các máy đo SPO2 cũng được bán khá nhiều; trong đó, loại máy có giá rẻ 90.000-120.000 đồng/chiếc được người dân hỏi mua nhiều. Trên mạng xã hội, máy đo SPO2 mang tên Fingertip Pulse được nhiều người quan tâm. Anh Nguyễn Thế Anh (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) cho biết: “Nhìn mẫu mã máy bắt mắt, giá cả phải chăng nên tôi mua tạm một chiếc đề phòng khi nhà có người mắc Covid-19”. Cũng thiết bị cùng tên, nhưng một số tài khoản bán với giá 80.000 đồng/chiếc, trong khi tài khoản khác bán với giá 135.000 đồng/chiếc.
Các loại thuốc điều trị Covid-19 cũng được rao bán trên mạng, song giao dịch kín đáo hơn, không công khai tên thuốc điều trị mà chỉ dùng từ “lóng” như “thuốc Nga đỏ”, “thuốc đỏ Nga”… để tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Theo chị Nguyễn Vân Anh, phố Hạ Yên Quyết, phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy), nhiều người bán còn lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp để tăng giá bán. Nếu trước đây thuốc điều trị Covid-19 Adobi của Nga màu đỏ trên thị trường có giá 2,5-2,7 triệu đồng/hộp thì nay tăng lên 3,5-3,7 triệu đồng/hộp.
Nghiên cứu kỹ thông tin sản phẩm
Trao đổi về thực trạng trên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, bên cạnh các biện pháp kiểm tra liên ngành, Cục tiếp tục phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí phản ánh kịp thời, chính xác tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường vận động nhân dân không tham gia hoặc tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tích cực tố giác hành vi vi phạm, nhất là với mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19.
Ở góc độ chuyên môn, bác sĩ chuyên khoa I Nội tổng hợp Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm Ô xy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng) khuyến cáo, hiện nay có tình trạng nhiều người nhập máy đo SPO2 giá rẻ, chỉ 20.000 đồng/chiếc rồi rao bán trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử với giá 50.000-120.000 đồng/chiếc. Nhiều gia đình khi có bệnh nhân F0 đã vội vàng mua tạm thời máy không rõ nguồn gốc xuất xứ về sử dụng. Tuy nhiên, các gia đình không nên sử dụng loại máy giá rẻ, không chính hãng, vì chỉ số sai có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu người bệnh đang ở trạng thái thiếu ô xy. Người dân nên mua máy đo SPO2 hàng chính hãng, với giá từ 300.000 đồng/chiếc trở lên thì thông số đo mới chính xác.
Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, các loại thuốc kháng vi rút trong điều trị Covid-19 mà Bộ Y tế vừa ban hành là cấp về cho các sở y tế, sau đó cấp cho bệnh nhân F0. Do vậy, bất kỳ loại thuốc kháng vi rút trong điều trị Covid-19 nào rao bán trên mạng xã hội đều là vi phạm quy định, người dân cần cẩn trọng.
Được biết, trước thực trạng nhiều người rao bán các sản phẩm thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, Bộ Y tế công bố đã cấp phép cho 3 loại kit test trong nước và 69 loại nước ngoài được phép lưu hành. Ngày 17-2 vừa qua, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng đã ký quyết định ban hành danh mục 3 loại thuốc chứa Molnupiravir (thuốc điều trị Covid-19) sản xuất trong nước, được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, gồm thuốc Molravir 400, Movinavir và Molnuporavir Stella 400.
Như vậy, nếu có nhu cầu mua thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại nhà, người dân cần tìm hiểu và nghiên cứu kỹ để tránh mua phải sản phẩm trôi nổi, không bảo đảm chất lượng, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và công tác phòng, chống dịch nói chung.