Cẩn trọng khi tham gia giao thông vào mùa mưa lũ

Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn, khiến nhiều ngầm tràn bị ngập nước, nhiều vị trí trên quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã, liên xóm bị sạt lở đất đá, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Lực lượng chức năng xã Phúc Chu (Định Hóa) lập chốt ngăn người dân đi qua khu vực tràn bị ngập nước.

Lực lượng chức năng xã Phúc Chu (Định Hóa) lập chốt ngăn người dân đi qua khu vực tràn bị ngập nước.

Ngầm tràn suối Rẽo nối phường Tiên Phong với phường Hồng Tiến (TP. Phổ Yên) hàng ngày có lượng phương tiện giao thông qua lại rất lớn, chủ yếu là người lao động đang làm việc tại Khu công nghiệp Yên Bình. Tháng 8-2020, hai người dân khi tham gia giao thông qua ngầm tràn này, do không để ý đã bị nước lũ cuốn trôi cả người và phương tiện. Rất may, người dân sống gần đó đã kịp thời phát hiện, đưa hai người lên bờ an toàn.

Trước sự việc trên, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông qua đây, phường Tiên Phong đã lắp đặt hệ thống barie và biển báo hai bên đầu ngầm tràn. Ông Ngô Ngọc Tâm, Chủ tịch UBND phường Tiên Phong, cho biết: Chúng tôi cử cán bộ phối hợp với tổ dân phố Hòa Bình thường xuyên theo dõi mực nước lên, xuống tại ngầm tràn. Khi thấy mực nước ở các nơi đổ về nhanh có thể gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua ngầm tràn sẽ hạ barie xuống. Đồng thời, phát thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của xóm, xã để người dân biết và đi đường khác.

Gần đây nhất, ngày 29/7/2024, chị Mông Thị Q. (sinh năm 1999) trú tại xã Bảo Linh (Định Hóa) khi đi làm qua cầu Làng Vẹ, xã Định Biên, do thời tiết mưa to, nước dâng cao nên đã bị cuốn trôi. Đến khoảng 9 giờ sáng 30-9, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể chị Q. cách tràn Làng Vẹ hơn 2km.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 300 ngầm, đập tràn qua các con sông, suối lớn và hàng trăm lối tắt qua các con sông, suối do người dân tự mở, trong đó, tập trung nhiều ở các huyện: Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương… Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), chia sẻ: Trên địa bàn xã hiện có khoảng 10 ngầm tràn, đập tràn và cầu dân sinh. Mưa lớn trong 2 ngày 28 và 31-7 vừa qua đã làm cho nhiều ngầm tràn, đập tràn và cầu dân sinh trên địa bàn xã bị ngập sâu không thể đi lại được. Chúng tôi đã triển khai đặt biển báo nguy hiểm, bố trí lực lượng trực tại các điểm ngập lụt, sạt lở và cảnh báo người dân không đi qua khu vực này.

Ngoài mối nguy hiểm từ các ngầm, đập tràn thì hiện nay, việc tham gia giao thông của người dân còn bị đe dọa bởi hiện tượng sạt lở đất, đá tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Mưa lớn từ ngày 28 đến 31-7 vừa qua đã khiến nhiều vị trí trên quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã, liên xóm bị sạt lở với khối lượng đất ước tính khoảng 17.000m3. Trong đó, huyện Định Hóa xảy ra nhiều điểm nhất. Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, cho biết: Do đặc điểm địa hình đồi núi nên trên địa bàn huyện hiện có hàng chục tuyến đường bị sạt lở. Đặc biệt, tại Quốc lộ 3C, đoạn qua xã Quy Kỳ. Chính vì thế, trước, trong và sau mùa mưa lũ chúng tôi đều tăng cường kiểm tra các tuyến đường xung yếu, các đoạn đường có taluy cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt trượt để đưa ra những giải pháp đảm bảo an toàn. Trong đó, huyện tập trung cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng chốt chặn để ngăn người dân đi qua khu vực nguy hiểm. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành giật cấp, hạ độ cao taluy dương. Ngoài ra, UBND huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nêu cao tinh thần chủ động trong đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.

Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp cảnh báo, bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, người dân vẫn cần đề cao cảnh giác, không tùy ý vượt ngầm tràn, đi vào đoạng đường sạt lở khi mưa lũ, thiên tai. Đồng thời cảnh báo để những người tham gia giao thông khác cùng phòng tránh.

Dương Hưng - Vũ Công

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202408/can-trong-khi-tham-gia-giao-thong-vao-mua-mua-lu-bcd1aa2/