Cẩn trọng trước tình trạng lây lan của bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò
Cho đến thời điểm này, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã lây lan tại một số địa phương của 3 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Bắc Kạn và tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Hiện loại bệnh này vẫn chưa xác định chính xác được nguồn lây cũng như chưa có vaccine và phác đồ điều trị hữu hiệu, do đó, người chăn nuôi cần chủ động có các biện pháp tự bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trước nguy cơ dịch có thể lây lan ra diện rộng.
Sau khi tỉnh Lạng Sơn công bố xuất hiện dịch từ giữa tháng 10 tại huyện Hữu Lũng thì tại tỉnh Cao Bằng, dịch được phát hiện đầu tiên tại một xóm biên giới ở xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang từ cuối tháng 10. Đến nay dịch đã xuất hiện tại 13 xã của 4 huyện là Hạ Lạng, Trùng Khánh, Quảng Hòa và Hòa An với khoảng 200 con trâu bò nhiễm bệnh, trong đó có gần 20 con bị chết. Nếu như tại huyện Hạ Lang dịch lan từ xã này sang xã khác và địa phương đã công bố dịch trên toàn huyện thì đáng quan tâm là dịch cũng xuất hiện ngay cả ở xã Phi Hải, huyện Quảng Hòa- một địa bàn nằm khá biệt lập so với các vùng có dịch khác và hộ gia đình có dịch cũng không có việc vận chuyển gia súc ra vào địa bàn trong thời gian qua.
Ông Hoàng Minh Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Cao Bằng cho biết: "Nguyên nhân phát sinh có thể do việc vận chuyển, tiếp xúc, nhưng chưa xác định được từ đường nào. Bệnh dịch không phải ở một khu vực hay một điểm mà hiện đã lan ra xa tận huyện Hòa An, một điểm xa vị trí phát hiện đầu tiên tại huyện Hạ Lang là nơi sát biên giới, còn Hòa An thì sâu trong nội địa. Có chỗ gần sát nơi vận chuyển, có chỗ không vận chuyển nhưng vẫn phát bệnh dịch".
Ngày 11/11, Bắc Kạn là tỉnh thứ 3 sau Lạng Sơn, Cao Bằng xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò của 2 hộ chăn nuôi tại xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn. Đáng chú ý là cả 2 hộ gia đình này trong năm nay không mua thêm gia súc mới. Chuồng bò 17 con của một hộ chăn nuôi mắc bệnh tại thôn Bó Lếch cách Quốc lộ 3 nối từ Cao Bằng về Bắc Kạn chỉ khoảng 100m. Tuy nhiên, việc điểm gần nhất có dịch ở tận xã Dân Chủ, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, cách đó khoảng 100 km và vượt qua một số khu vực có nuôi nhiều trâu bò khác cũng cho thấy sự khó lường của dịch bệnh này.
Thực tế cho thấy những tiềm ẩn khó lường về phương cách lây lan, hơn nữa hiện vẫn chưa xác định được nguồn lây bệnh tại cả 3 địa phương. Cơ chế lây lan đã được xác định qua một số con đường như truyền qua tiếp xúc trực tiếp, qua quá trình vận chuyển gia súc hay qua vật trung gian như muỗi, ve bọ, đặc biệt là loài ruồi trâu hay còn gọi là mòng trâu, loại côn trùng có khả năng bay xa tới vài km. Do đó, biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất lúc này chính là việc người dân phải chủ động vệ sinh chuồng trại và có các biện pháp phòng dịch cần thiết.
Ông Đỗ Xuân Việt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn khuyến cáo: "Theo dõi diễn biến của dịch, chúng tôi đánh giá có thể có nguy cơ lây lan phức tạp, nhất là đang mùa ruồi mòng đang phát triển tốt. Đặc biệt là các bãi chăn thả quanh các hộ có dịch, các xã giáp vùng có dịch và dọc trục tuyến quốc lộ cũng có nguy cơ lây lan. Do đó, chúng tôi đang tập trung khuyến cáo các hộ chăn nuôi, nhất là dọc trục quốc lộ cần chú ý các biểu trưng của bệnh, đặc biệt chú ý các thuốc phòng trừ ruồi mòng, thứ hai là vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thứ ba là tăng cường thức ăn bổ sung, nhất là trong mùa rét để tăng sức đề kháng cho gia súc. Nữa là mùa rét cũng cần quan tâm đến việc che chắn chuồng trại".
Ngay sau khi các địa phương thực hiện việc khoanh vùng dập dịch, tổ chức các chốt kiểm soát vận chuyển tại các khu vực có dịch, tình hình lây lan của bệnh đã cơ bản được hạn chế. Tuy vậy, việc vận chuyển, mua bán gia súc vẫn được thực hiện ở các vùng không có dịch do đó, nguy cơ lây lan hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc biệt là trên các địa bàn vẫn có một số chợ mua bán trâu bò số lượng lớn, điển hình có thể kể đến như chợ phiên Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, trong những ngày qua mỗi phiên chợ vẫn có từ 300-500 con trâu bò được mua bán, trao đổi từ nhiều địa phương khác nhau. Tập quán gia súc chăn nuôi thả rông của người dân cũng có thể khiến dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Do đó, bên cạnh sự vào cuộc các cấp các ngành, việc chủ động có các biện pháp tự bảo vệ đàn vật nuôi của mỗi người dân cũng là rất cần thiết./.