Cẩn trọng với bánh Trung thu 'trôi nổi'

Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến thời điểm Rằm tháng 8 (Tết Trung thu) nhưng thị trường bánh Trung thu đã bắt đầu nhộn nhịp. Từ các hàng tạp hóa trong chợ truyền thống, đến sàn thương mại điện tử… thị trường bánh Trung thu đã bắt đầu sôi động. Tuy nhiên, người tiêu dùng hãy cẩn trọng về chất lượng của những loại bánh này.

Nhộn nhịp thị trường bánh Trung thu

Vài năm gần đây, tình trạng “nhập nhèm” chất lượng bánh Trung thu phục vụ nhu cầu của người dân đang có diễn biến phức tạp. Những hành vi buôn bán, sản xuất bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất hiện ngày càng nhiều và tinh vi. Điều này đang gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như sức khỏe của người tiêu dùng.

Lực lượng chức năng kiểm đếm số hàng hóa không rõ nguồn gốc.Ảnh minh họa: CAHN

Lực lượng chức năng kiểm đếm số hàng hóa không rõ nguồn gốc.Ảnh minh họa: CAHN

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày này tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, nhiều hàng kinh doanh hoa quả, bánh kẹo có nguồn gốc nước ngoài được bày bán khá đa dạng các chủng loại. Các loại bánh nướng, bánh dẻo khác nhau phục vụ thị trường Tết Trung thu có mẫu mã rất bắt mắt, giá cả đa dạng từ vài chục nghìn cho tới cả triệu đồng một hộp 4 đến 6 chiếc. Không chỉ vậy, nhiều chủ hàng còn giới thiệu, mời chào khách hàng mua nguyên liệu làm bánh Trung thu đã được chế biến sẵn như trứng muối, đỗ xanh, hạt sen xay nhuyễn... được đóng trong các bịch nilon nhằng nhịt chữ nước ngoài.

Qua tìm hiểu, nhiều sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo và nguyên liệu làm bánh có xuất từ Trung Quốc, chủ yếu được nhập theo đường tiểu ngạch không rõ nguồn gốc, nhãn mác sản phẩm, không hạn sử dụng và đều được đóng gói, bảo quản rất sơ sài không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bà Lê Hồng Nhung (quận Hà Đông) cho biết, hiện nhiều thương hiệu bánh Trung thu quen thuộc như: Kinh Đô, Hữu Nghị, Maison, Thu Hương… đã mở bán trên các tuyến phố. Bên cạnh đó, thị trường bánh Trung thu còn có rất nhiều loại bánh mini, được quảng cáo là sản phẩm nhập từ Đài Loan (Trung Quốc). Trên vỏ bao bì đều ghi chữ nước ngoài, không ghi hạn sử dụng. Bánh Trung thu mini ngoại nhập cũng có rất nhiều vị nhân, được bán nhiều tại các hội nhóm trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Giá bán chỉ dao động từ 2.500-4.000 đồng/chiếc.

“Chưa nói đến chất lượng, nhưng cảm quan cho thấy, bánh Trung thu “có tên tuổi” vẫn thể hiện thông tin sản phẩm rõ ràng, đây là điểm khác biệt, người tiêu dùng cảm thấy yên tâm hơn”, bà Nhung chia sẻ.

Không chỉ các chợ truyền thống, càng gần đến Trung thu, trên chợ “mạng” cũng rộn ràng kinh doanh các mặt hàng bánh, kẹo… với nhiều mức giá, hình thức đa dạng, với giá chỉ vài nghìn đồng. Theo quảng cáo của người bán, đây là mặt hàng được lấy từ Trung Quốc, không phải hàng trôi nổi. Loại bánh này hút hàng ở chỗ hương vị lạ, cỡ bánh nhỏ, ít đường, không béo… Chính những điều này đã đánh vào tâm lý tò mò của người dân. Mặc dù vậy, chất lượng sản phẩm đã được kiểm định hay chưa người bán không hề cho biết, và rất nhiều người mua dường như cũng không quan tâm hoặc để ý đến vấn đề này.

Tăng cường kiểm tra xử lý

Theo cơ quan chức năng, càng gần Tết Trung thu, nhu cầu sử dụng bánh Trung thu của người dân tăng cao nên nhiều đối tượng đã tìm mua các loại bánh “trôi nổi” trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ về bán kiếm lời. Những sản phẩm trên không được kiểm soát chất lượng nên có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy cơ quan chức năng khuyến cáo người dân chỉ nên mua những hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được kiểm soát và công bố chất lượng sản phẩm, để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Tại quận Đống Đa, nhằm đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm phục vụ Tết Trung thu, đồng thời thông qua hoạt động kiểm tra kịp thời phát hiện ngăn chặn xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm. Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của quận đã chỉ đạo đoàn kiểm tra tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm quận giao các phòng chức năng và 21 phường căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương chủ động tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2023 tại địa bàn. Trong đó tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như: Bánh, mứt, kẹo, sản phẩm từ thịt… nội dung kiểm tra tập trung vào hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm; nhãn sản phẩm hàng hóa; hồ sơ nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giấy chứng nhận sức khỏe đối với người lao động; điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ…

Theo bà Vũ Mai Khanh - Chủ tịch UBND phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, các lực lượng chức năng phường sẽ tăng cường tuyên truyền các quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, kiến thức an toàn thực phẩm đối với những người tham gia sản xuất thực phẩm, chế biến thực phẩm. Các quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về phụ gia, bao bì thực phẩm... Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định pháp luật.“Người dân nên lựa chọn các cơ sở, sản phẩm có uy tín và đã đăng ký chất lượng bản quyền theo quy định, không nên sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng “handmade”cũng cần cẩn trọng…”, Chủ tịch UBND phường Thịnh Quang cho hay.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện nay bánh Trung thu trôi nổi, giá rẻ tràn ngập "chợ mạng", do vậy người tiêu dùng cần lưu ý những tiêu chí dưới đây để lựa chọn bánh Trung thu đảm bảo an toàn: Chỉ nên mua, sử dụng thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Tránh mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác rõ ràng hay những sản phẩm có bao bì rách nát, sản phẩm bị móp méo hoặc có màu sắc khác thường, bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và có mùi khác lạ.

Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-trong-voi-banh-trung-thu-troi-noi-159513.html