Cẩn trọng với 'bẫy' vay tiền trực tuyến

Vay tiền nhanh và không cần thế chấp, bí mật với người thân là lời mời hấp dẫn được quảng cáo cho vay trên mạng xã hội. Nhưng người dùng mạng xã hội cần cân nhắc, tránh mắc 'bẫy' tín dụng đen từ hình thức cho vay này.

Nhiều app cho vay với lời mời hấp dẫn.

Nhiều app cho vay với lời mời hấp dẫn.

Chỉ cần một thao tác đơn giản, truy cập vào mạng xã hội đánh từ khóa vào mục tìm kiếm với nội dung “cho vay tiền” thì hàng chục, thậm chí hàng trăm nhóm mang tên “cho vay thủ tục nhanh gọn”, “vay tiền nhanh trong ngày”, “nhóm vay vốn online”… xuất hiện và mời bạn tham gia. Hoặc vào tìm các app cho vay tiền trên điện thoại cũng có rất nhiều giới thiệu như “vay tiền online nhanh”, “Vnhanh”, “vaydi”, “SHA”… với thủ tục cho vay dễ dàng, nhanh gọn. Điểm chung của các hội, nhóm, app này luôn đưa ra mức lãi suất dưới 20%/năm - mức lãi suất cho vay nặng lãi hay tín dụng đen để hấp dẫn người vay.

Anh Trần Văn V, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai do có việc riêng cần tiền gấp đã vay 2 triệu đồng online qua một nhóm trên facebook. Sau khi thống nhất mức lãi suất, thủ tục cho vay, anh V được phê duyệt, nhưng chỉ nhận được 1,4 triệu đồng, còn 600 nghìn đồng được người cho vay giải thích là các khoản phí phát sinh. Anh Trần Văn V cho biết: Nếu như vậy, tôi đang phải chịu lãi suất lên tới 69%/tháng.

Còn trường hợp của anh Lê Phúc B, huyện Bát Xát lại kém may mắn hơn khi không được duyệt khoản vay 3 triệu đồng trong vòng 20 ngày, nhưng thông tin cá nhân của anh đã bị bên cho vay lấy. Một thời gian sau, tên, số chứng minh nhân dân và ảnh của anh Lê Phúc B tràn lan khắp facebook của bạn bè với nội dung “đối tượng Lê Phúc B có hành vi lừa đảo, trốn nợ 20 triệu đồng…”, trong khi anh B không được vay số tiền trên. Anh B bị tạo sức ép phải trả một khoản phí để các đối tượng gỡ thông tin xuống. Điều này đã ảnh hưởng đến uy tín của anh Lê Phúc B với bạn bè, người thân và người dùng facebook.

Nhu cầu vay tiền nhanh ngày càng cao, các app và hội, nhóm cho vay trên mạng xã hội được dịp mọc lên như nấm sau mưa với nhiều hình thức. Các app cho vay đang hoạt động trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp với người đi vay mà không thông qua trung gian tài chính. Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ giữa người vay, người cho vay được giao dịch trực tuyến và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hóa. Hệ thống pháp luật hiện chưa có quy định cụ thể về hoạt động này, lợi dụng điều đó, nhiều app cho vay đã có chiêu trò để giăng bẫy người vay với lãi suất “cắt cổ”.

Thời gian vừa qua, Bộ Công an có cảnh báo với người dân về thủ đoạn cho vay nặng lãi mới xuất hiện. Cụ thể, các đối tượng cho vay qua ứng dụng trên mạng internet với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 30,8%/tuần, 132%/tháng và 1.600%/năm. Tất cả giao dịch đều được thực hiện thông qua mạng internet và điện thoại di động. Nếu người vay không trả nợ đúng hạn sẽ bị các đối tượng gọi điện đến số điện thoại của người thân quen trong danh bạ, đăng trên facebook nhằm tạo sức ép buộc người vay phải trả tiền.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, hơn ai hết, người cần vay tiền phải biết bảo vệ mình khi vay tiền qua các app online, cân nhắc kỹ trước khi quyết định vay tiền. Ít nhất khi giao dịch, phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có đầy đủ thông tin như tên công ty, mã doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại. Ngoài ra, các app, web cho vay phải thể hiện rõ thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch, như công bố rõ ràng chính sách bảo vệ thông tin, mẫu hợp đồng, biểu phí, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch. Song song với đó, bên cho vay cung cấp hợp đồng cho người vay tham khảo trước khi xác nhận giao dịch hay không cũng là tiêu chí để đánh giá mức độ uy tín. Để tránh rủi ro, người có nhu cầu vay tiền online cần cân nhắc kỹ càng, đặc biệt, nên sử dụng các dịch vụ tài chính chính thống, vay từ ngân hàng hoặc các công ty tài chính được cấp phép để được bảo vệ quyền lợi.

P.V

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phap-luat/can-trong-voi-bay-vay-tien-truc-tuyen-z7n20200928104627322.htm