Cẩn trọng với bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng
Hiện nay, bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa qua từng năm. Đây là căn bệnh mạn tính thường xuyên tái lại nhiều lần, nếu không được điều trị và phòng ngừa đúng cách sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị, ung thư dạ dày...
Theo thống kê Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam, trên 26% dân số nước ta mắc bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng. Nguyên nhân chính gây bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng là nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn HP). Vi khuẩn HP sau khi xâm nhập sẽ sinh sống và phát triển tại lớp nhầy niêm mạc dạ dày, tiết ra độc tố làm mất khả năng chống lại a xít của niêm mạc, gây viêm loét. Ngoài ra, do chế độ ăn uống không điều độ, không hợp vệ sinh; tâm lý căng thẳng; tác dụng phụ của dùng các thuốc kháng viêm dạng corticoid và uống thuốc giảm đau thường xuyên... cũng gây viêm loét dạ dày, tá tràng.
Viêm loét dạ dày, tá tràng được xem là hiện tượng hoại tử vùng niêm mạc của dạ dày. Ảnh: Internet
Trưởng khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), bác sĩ Phạm Ngọc Doanh cho biết: Người bị bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng thường hay đau ở vùng thượng vị, đau âm ỉ, có trường hợp đau cồn cào, nóng rát không theo một quy luật thời gian nào; đau liên tục, ợ chua, chán ăn, kèm theo là triệu chứng đầy bụng, khó tiêu. Thậm chí, trong trường hợp tổn thương nặng có thể bị buồn nôn, nôn khan. Những người bị ợ dịch chua là do tổn thương lâu ngày làm ứ đọng dịch và gây trào ngược dịch, trường hợp này thường đã ở giai đoạn viêm dạ dày mạn tính. Các triệu chứng khác như ợ hơi có thể làm dịu cơn đau một chút hoặc không hết đau, nôn hoặc buồn nôn, dịch nôn ói có thể trong, xanh, vàng, có tia máu hoặc toàn máu, tùy theo độ trầm trọng của viêm dạ dày; cảm giác đầy hơi, lình bình ở thượng vị, những trường hợp nặng có thể có chảy máu trong dạ dày.
Để điều trị hiệu quả bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu nguyên nhân loét do các loại thuốc kháng viêm, thì việc điều trị cần dùng đến các thuốc ức chế để hỗ trợ. Nếu nguyên nhân là do vi khuẩn HP, thì nên sử dụng thuốc kháng sinh. Người bệnh cần tránh hút thuốc, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích trong quá trình điều trị bệnh. Bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng tuy phổ biến, nhưng lại là căn bệnh có thể phòng ngừa được.
Bác sĩ Phạm Ngọc Doanh khuyến cáo: Cách phòng bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng là điều trị triệt để vi khuẩn HP. Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá; các thức ăn chua, cay, nước uống có gas, không uống quá lạnh, nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu; khi ăn cần nhai kỹ, kiêng ăn các thực phẩm quá cứng, sau ăn phải nghỉ ngơi 10 - 15 phút; giữ vệ sinh khi ăn uống, rửa sạch rau quả, rửa tay trước khi ăn; không phóng uế bừa bãi. Người đã bị bệnh cần ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu; không nên ăn nhiều các món xào, chiên nhiều mỡ, bơ; tránh xa các loại đồ ăn có nhiều axit hữu cơ như cà muối, dưa muối, chanh, xoài... Không làm việc quá sức, khi thấm mệt nên nghỉ ngơi, không nên thức khuya, tránh suy nghĩ căng thẳng thần kinh, stress; luôn giữ ấm cơ thể trong những ngày lạnh.
Những người có triệu chứng đầy hơi, ăn uống khó tiêu, ợ chua, tức, đau vùng thượng vị khi đói... cần đi khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời. Mọi người cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/1 lần, nhằm phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời; nhất là điều trị triệt để nếu có vi khuẩn HP.