Cẩn trọng với 'cơn sốt' thu mua đất nông nghiệp
Những “cơn sốt” đất diễn ra trong những năm gần đây khiến giá đất được rao bán tăng cao hơn so với thực tế, trong đó, đất nông nghiệp cũng không phải ngoại lệ. Với tâm lý gom đất nông nghiệp khi giá ở mức rất thấp để đón đầu quy hoạch hoặc chờ cơ hội chuyển đổi mục đích sử dụng, không ít nhà đầu tư đã bỏ vốn, dù phải vay mượn để mua đất nông nghiệp với mong ước thu về lợi nhuận cao bất chấp nhiều rủi ro.
Nhộn nhịp bởi cò đất
Từ năm 2021 đến nay, khi thông tin về dự án Khu công nghiệp Yên Bình nằm trên địa bàn hai huyện Yên Lạc và Bình Xuyên được truyền tai nhau thì đất nông nghiệp ở xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Có hơn 1 sào đất nông nghiệp đang canh tác nằm sát trục đường chính nối liền hai thôn Xuân Đài (xã Nguyệt Đức) và Yên Nội (xã Văn Tiến), không ít lần ông Nguyễn Văn Huy ở thôn Yên Nội nhận được lời "gạ" bán đất với giá giao động từ 180 đến 200 triệu đồng/sào.
Dù đang cần tiền làm một số việc nên ông Huy có ý định bán đi thửa ruộng đang canh tác nhưng nghe được thông tin từ một số người vị trí đó có thể chuyển đổi được sang đất thổ cư, giá trị đất sẽ lên nhiều khiến ông phân vân.
Việc mua, bán đất nông nghiệp quanh khu vực thôn Yên Nội trở nên sôi động, bởi vậy, giá đất nông nghiệp quanh đây cũng vì thế mà có xu hướng tăng nhẹ. Chỉ sau thời gian ngắn thửa ruộng nhà ông Huy lại có người hỏi mua với giá hơn 220 triệu đồng/sào.
Không chỉ tại Văn Tiến, mà bất cứ địa phương nào có thông tin quy hoạch và xây dựng dự án, khu công nghiệp thì xu hướng đất nền tại địa phương đó cũng “sôi động” hẳn lên, tạo thành những cơn sốt ảo và gây ra nhiều hệ lụy.
Trong đó, bên cạnh đất nền, đất thổ cư thì đất nông nghiệp, đất trồng cây lây năm, đất rừng cũng được săn đón và thu mua nhộn nhịp bởi cả cò đất và các nhà đầu tư cá nhân.
Ảo tưởng về lợi nhuận
Hai năm qua, trong đại dịch Covid-19, những cơn sốt về đất vẫn không hề giảm nhiệt. Chị Nguyễn Thị Hường ở xã Chấn Hưng, Vĩnh Tường thấy nhiều bạn bè giàu lên từ đất nên cũng dồn hết vốn liếng đầu tư vào đất với hy vọng đổi đời.
Được bạn bè chia sẻ nhiều cứ mua đất là lãi, chỉ là lãi ít hay lãi nhiều nên chị Hường mạnh dạn "xuống tiền" với một số dự án bất động sản và có không ít vụ “thắng”. Tuy nhiên, vụ thu gom đất nông nghiệp chị tham gia hồi cuối năm 2021 lại đẩy chị vào tình thế “dở khóc dở cười”.
Nghe giới thiệu xu hướng đầu tư thu gom đất nông nghiệp ở một số địa bàn trong và ngoài tỉnh có khả năng thu lợi nhuận cao, chị Hường đã đi giao dịch và thu mua được hơn 3 ha đất nông nghiệp ở xã Hướng Đạo (Tam Dương) và xã Tân Việt (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) với tổng vốn hơn 1 tỷ đồng.
Đáng nói, phần lớn số tiền trên là chị Hường đi vay vì chỉ có ý định “lướt” nhanh. Nhưng trái với những gì đội cò đất giới thiệu, việc quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp đó vẫn còn là quá trình dài cũng như việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư không hề đơn giản.
Số tiền vốn đọng lại đã nhiều tháng mà không biết khi nào mới thu hồi lại được, chưa kể việc chịu lãi hằng tháng khiến chị Hường rất nóng ruột và cũng tự rút ra được bài học đắt giá cho mình khi đầu tư theo cơn sốt ảo.
Thực tế, cơn sốt thu mua đất nông nghiệp vừa qua đã giúp một số người thu lợi nhuận khủng nhưng cũng khiến nhiều người như ngồi trên đống lửa, nhất là với những người mua đất không phải từ nguồn tiền nhàn rỗi mà là tiền vay mượn.
Thực trạng người dân tự ý san lấp mặt bằng trên đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm mặc dù chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp hoặc đất thổ cư đã diễn ra ở nhiều nơi và rất khó kiểm soát.
Việc chia tách từ một thửa đất thành nhiều mảnh diễn ra theo chiều hướng gia tăng. Theo thống kê, chỉ trong hơn 1 năm qua, toàn tỉnh đã có gần 4.000 thửa đất được làm thủ tục tách ra thành hàng chục nghìn thửa đất nhỏ lẻ. Đặc biệt, việc “biến hình” đất nông nghiệp thành những dự án “ma” đã khiến không ít người vướng vào vòng lao lý.
Điển hình như vụ đối tượng Đỗ Thúy Miên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đại An Vĩnh Phúc cách đây 2 năm là bài học cảnh tỉnh. Cuối năm 2020, bà Miên đã thu gom khoảng 6 ha đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất rừng của các hộ dân tại thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo; xã Đạo Tú, huyện Tam Dương và xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên với giá chỉ từ 10 đến 160 triệu đồng/sào (360m2).
Dù diện tích đất nêu trên chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư thực hiện dự án khu đô thị, nhà ở, nhưng Miên đã tự ý thuê người vẽ bản đồ quy hoạch, lập hồ sơ dự án khu đô thị, nhà ở, phân lô tách thửa thành hàng trăm ô đất với diện tích khoảng 100m2 mỗi ô và lấy tên là Khu đô thị Đại An tại thị trấn Hợp Châu, khu nhà ở thấp tầng xã Đạo Tú và khu đất ở cho người thu nhập thấp ở xã Thiện Kế. Với dự án “ma”, bà Miên và công ty lập ra đã lừa được hơn 130 người mua với số tiền chiếm đoạt khoảng 30 tỷ đồng.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư phải có dự án và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhất là thời gian gần đây các cơ quan chức năng đang siết chặt công tác quản lý loại đất này.
Hơn nữa, nếu một số đất nông nghiệp có nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa đền bù dự án thì cũng chỉ được bồi thường mức giá đất nông nghiệp theo quy định của nhà nước chứ không thể có chuyện giá “trên trời” như nhiều người vẫn lầm tưởng và như giới cò đất dụ dỗ. Vì vậy, người dân cần thận trọng trước cơn sốt thu mua đất nông nghiệp để tránh mất tiền oan.