Cẩn trọng với đột quỵ do giá rét
Mùa đông là thời điểm các cơ sở y tế trong tỉnh Bắc Giang phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân cấp cứu vì đột quỵ. Do bệnh diễn tiến nhanh, khi nhập viện, nhiều trường hợp đã trong tình trạng hôn mê, liệt nửa người.
Để lại di chứng nặng nề
Người mắc bệnh đột quỵ có xu hướng tăng vào những ngày lạnh, nhiệt độ giảm sâu do cơ thể dễ bị co thắt mạch máu. Trong những ngày mùa đông, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, các bác sĩ ở đơn nguyên Đột quỵ (Khoa Cấp cứu) phải làm việc với cường độ cao khi số lượng bệnh nhân tăng từ 20-25% so với trước đó. Người bệnh nhập viện những ngày giá rét không những tăng về số lượng mà diễn biến cũng phức tạp hơn, chủ yếu đã chuyển sang giai đoạn xuất huyết não.
Theo bác sĩ, thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tử vong cao nếu không được xử trí kịp thời. Như trường hợp bệnh nhân L. T. S, 75 tuổi, ở xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) nhập viện trong tình trạng nói khó, đau đầu, lơ mơ từ đêm hôm trước đến cuối buổi chiều ngày hôm sau, trước đó bà bị tăng huyết áp. Khi vào viện, qua khám, đánh giá cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ. Điều đáng nói, người bệnh nhập viện muộn nên dù được điều trị tích cực qua giai đoạn nguy hiểm nhưng chuyển biến chậm, khả năng sẽ bị liệt nửa người bên phải.
Hiện nay, trung bình Khoa Cấp cứu có từ 10 - 12 bệnh nhân đột quỵ điều trị, ngày cao điểm lên tới 16-18 bệnh nhân. Không chỉ người cao tuổi, nhiều người trẻ không có bệnh lý về huyết áp, tim mạch cũng mắc đột quỵ. Mới đây, anh N. V. H (SN 1987), ở xã Cao Xá (Tân Yên) vào viện trong tình trạng tê liệt nửa người trái. Qua chụp chiếu, xét nghiệm thăm dò chức năng, bác sĩ phát hiện anh có cục máu đông trong mạch máu não, gây tắc mạch vùng bán cầu não trái. May mắn, anh vào viện sớm, được can thiệp kịp thời nên đã bình phục sau 10 ngày điều trị.
Trước đây, bệnh thường gặp ở người từ 50 tuổi trở lên, nay có xu hướng trẻ hóa. Bác sĩ Đỗ Văn Dự, Phó trưởng Khoa Cấp cứu cho biết: "Đột quỵ nguy hiểm không chỉ bởi là căn bệnh cấp tính không có dấu hiệu báo trước mà còn để lại di chứng nặng nề. Thể nặng có thể tử vong ngay trong giờ đầu, ngày đầu. Nếu được nhập viện, can thiệp sớm trong 3-4 giờ đầu (giờ vàng) thì có 60% bệnh nhân được hồi phục, không để lại di chứng".
Tuy nhiên, phần lớn người bệnh nhập viện muộn nên dù đã được các bác sĩ nỗ lực điều trị qua cơn nguy kịch nhưng vẫn liệt nửa người, khó nói, khó vận động. Năm 2022, chỉ có từ 8-9% bệnh nhân vào điều trị trong khung “giờ vàng”.
Hiện nay, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị đột quỵ như: Kỹ thuật tiêu sợi huyết, lấy huyết khối, can thiệp mạch, đặt stent, nong rộng vị trí mạch máu bị hẹp. Để điều trị kịp thời cho bệnh nhân ngay tại tuyến huyện, năm 2022, Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa đã cử 1 kíp bác sĩ đi đào tạo kỹ thuật tiêu sợi huyết tại Bệnh viện Bạch Mai và hiện nay đã triển khai thành công. Đây là phương pháp tối ưu, giúp làm tan cục máu đông gây tắc mạch máu não mà không cần phẫu thuật, người bệnh sau điều trị hồi phục nhanh, giảm nguy cơ liệt. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng hiệu quả trong 4 giờ đầu, tính từ lúc người bệnh có triệu chứng khởi phát.
Can thiệp sớm, hồi phục nhanh
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư, dẫn đầu trong các căn nguyên gây tàn tật. Trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh có gần 2 nghìn ca bệnh đột quỵ nhập viện, trong đó có từ 40-50% bệnh nhân tử vong.
Nếu được nhập viện, can thiệp sớm trong 3-4 giờ đầu (giờ vàng) thì khoảng 60% bệnh nhân đột quỵ có cơ hội hồi phục, không để lại di chứng.
Từng bước giảm thiểu những di chứng gây tàn tật của căn bệnh, thời điểm này, lượng bệnh nhân đến điều trị phục hồi chức năng vận động, thần kinh sau đột quỵ tại Bệnh viện Phục hồi chức năng rất đông. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thời, Giám đốc Bệnh viện cho biết: "Trung bình mỗi ngày có từ 10-12 ca nhập viện trong tình trạng khó vận động, khó nói, thậm chí liệt nửa người đã được điều trị đột quỵ ổn định, hiện muốn phục hồi chức năng. Các bác sĩ tập trung điều trị các rối loạn về tri giác, nhận thức, khiếm khuyết vận động như teo cơ, cứng khớp, huyết khối tĩnh mạch, bội nhiễm phổi, nhiễm trùng tiết niệu và chỉ định những bài tập thay đổi tư thế, kiểm soát thăng bằng di chuyển. Ngoài ra, cách thức luyện ngôn ngữ trị liệu cũng rất cần thiết ở giai đoạn người bệnh đã có những tiến triển tốt nhằm hồi phục khả năng giao tiếp".
Theo các bác sĩ, người mắc đột quỵ phần lớn do tăng huyết áp, tim mạch, các bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu hoặc ở người ít vận động, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia. Riêng ở người trẻ còn liên quan đến các yếu tố di truyền... Nhiều người không biết mình mang yếu tố nguy cơ, đến khi đột quỵ, các bác sĩ đo huyết áp, thử đường huyết mới phát hiện. Yếu tố nguy cơ thường xuất hiện trước đó, khi gặp điều kiện bất lợi như thời tiết chuyển mùa, người có nguy cơ cao sẽ dễ bị đột quỵ hơn. Căn bệnh thường xảy ra khi cơ thể thay đổi trạng thái, đặc biệt thức dậy lúc nửa đêm, ra khỏi phòng đột ngột, thời tiết nóng, lạnh bất thường, nhiệt độ giảm sâu. Với bệnh nhân có bệnh lý về huyết áp, tim mạch, khi có dấu hiệu méo miệng, lưỡi tê cứng, khó nói, khó cầm nắm, gia đình cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, ở miền Bắc những ngày này, không khí lạnh liên tục bổ sung khiến nền nhiệt giảm sâu, trời rét kéo dài, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao. Do đó các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần giữ ấm cơ thể, tránh nhiễm lạnh đột ngột, vận động, tập thể dục nhẹ nhàng, uống nước ấm, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ. Người có bệnh lý nền thường xuyên tái khám theo chỉ định để được kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe.
Bài, ảnh: Duy Minh
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/suc-khoe/397348/can-trong-voi-dot-quy-do-gia-ret.html